Trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa

Trên cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động tri ân các anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng.  Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) được đánh giá đã có những đổi mới, sáng tạo trong triển khai công tác đền ơn đáp nghĩa. 

Các chiến sĩ trẻ thắp hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Ảnh: TTXVN
Các chiến sĩ trẻ thắp hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Ảnh: TTXVN

“Đền ơn, đáp nghĩa”

Nằm trong các sự kiện quan trọng kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, sáng 25-7, Chương trình gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020 đã diễn ra tại Hà Nội.

Dù tuổi đã rất cao, nhưng như nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng khác, mẹ Nguyễn Thị Sự (103 tuổi ở xóm Múc, xã Hợp Thành, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) vẫn gắng xuống dự lễ gặp mặt. Mẹ vẫn tinh anh, sức khỏe bền bỉ. Mẹ rất vui vì được về Thủ đô. Cũng như nhiều mẹ khác, mẹ Sự đã đóng góp công sức và những người con cho Tổ quốc. Mẹ có hai người con hy sinh, một người trong kháng chiến chống thực dân Pháp, một người trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Cả mẹ Sự và chồng mẹ đều tham gia cách mạng. Mẹ cũng là đảng viên có tuổi đời cao nhất của xã Hợp Thành. Mẹ kể lại: “Ngày ấy khổ lắm, đâu đâu cũng đói khát. Chồng đi kháng chiến, mẹ một tay vừa nuôi bảy người con vừa tham gia hỗ trợ cách mạng. Ngày đi làm ruộng, tối làm liên lạc cho cách mạng. Thế nhưng mẹ vẫn cố vì nghĩ sẽ có ngày đất nước được độc lập, các con mình được ăn học no đủ”. Bà Đỗ Thị Tiến, 65 tuổi, con dâu và cũng là người phụng dưỡng mẹ Sự cho biết, mẹ vẫn tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương. Ở nhà mẹ vẫn quét dọn, tự sinh hoạt và hỗ trợ con cái trong công việc nhà.

Tham gia chương trình gặp mặt có 300 Mẹ Việt Nam Anh hùng đến từ nhiều vùng miền của Tổ quốc. Có bốn mẹ đã trên 100 tuổi, nhiều tuổi nhất là mẹ Nguyễn Thị Đỗ, ở quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, năm nay mẹ đã 104 tuổi. Có 98 mẹ trên 90 tuổi, 133 mẹ trên 80 tuổi, 11 mẹ là người dân tộc thiểu số, bảy mẹ thuộc các thành phần tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật giáo, Cao Đài. Chín mẹ gia đình có nhiều thế hệ Mẹ Việt Nam Anh hùng. 23 mẹ là thương binh, 21 mẹ đồng thời là người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 24 mẹ đồng thời là người có công giúp đỡ cách mạng.

Các mẹ xúc động, phấn khởi khi được Đảng, Nhà nước quan tâm. Mẹ Hà Thị Hào sinh năm 1932, là người dân tộc Tày ở xã Kiên Thành, Trấn Yên, Yên Bái, có một người con trai duy nhất là liệt sĩ, xúc động nói: “Mẹ rất vui khi được về Thủ đô Hà Nội dự gặp mặt. Ở đây mẹ được các cháu trong ban tổ chức chăm sóc rất tận tình chu đáo từng miếng ăn, giấc ngủ. Được về Hà Nội thấy Thủ đô giàu đẹp, mẹ càng phấn khởi và tự hào”. 

Từ năm 1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Sau 25 năm thực hiện, Nhà nước đã phong tặng, truy tặng gần 140 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó tỉnh Quảng Nam có số lượng nhiều nhất với 15.261 mẹ, tiếp đó là Bến Tre với 6.905 mẹ, Quảng Ngãi với 6.802 mẹ, Hà Nội với 6.723 mẹ... Hiện, 4.962 mẹ đang sống đều được các tổ chức, doanh nghiệp và gia đình chăm sóc, phụng dưỡng. 

Trước đó, tại tỉnh Quảng Nam, Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh đã tổ chức Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công. Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương đã trao 73 bằng Tổ quốc ghi công tới thân nhân gia đình liệt sĩ tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước; trao tặng hoa, quà đến đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, lão thành cách mạng tại tỉnh Quảng Nam. Ban tổ chức cũng trao biển tượng trưng 20 căn nhà tình nghĩa tới 20 gia đình người có công, thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Nam; 200 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của tỉnh.

Trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa -0
Lễ cầu nguyện quốc thái dân an, cầu siêu và thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại chùa Tam Chúc (Hà Nam). Ảnh: TTXVN 

Sớm sửa đổi pháp lệnh ưu đãi

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, để đền đáp, tôn vinh sự hy sinh, cống hiến to lớn của các Anh hùng, liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh và người có công (NCC) với cách mạng, trong suốt 73 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm đến công tác thương binh, liệt sĩ, NCC với nước, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về ưu đãi NCC với cách mạng. Đồng thời, thường xuyên xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời phù hợp điều kiện của đất nước, bảo đảm thực hiện đồng bộ các chính sách ưu đãi cho đối tượng thương binh, bệnh binh, thân nhân các gia đình liệt sĩ và NCC. 

Bên cạnh đó, công tác tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh, đền thờ liệt sĩ được thực hiện với những nỗ lực cao nhất. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ được triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tìm kiếm, quy tập được hàng vạn hài cốt liệt sĩ trong nước và ở các nước bạn Lào, Campuchia. Cùng với việc đầu tư, nâng cấp các trung tâm giám định ADN, đã góp phần đẩy nhanh việc xác định danh tính các liệt sĩ, góp phần làm vơi đi nỗi đau của thân nhân các gia đình liệt sĩ, những người cha, người mẹ, người vợ, con em liệt sĩ.

Cũng trong những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã nỗ lực phối hợp các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh xem xét, xác nhận đối với người có công với cách mạng do còn vướng mắc một số thông tin chưa được công nhận. Qua ba năm thực hiện (2017 - 2019), đến nay đã trình công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 2.204 liệt sĩ, công nhận hơn 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, trong đó có nhiều trường hợp đã hy sinh từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp như: Những đội viên du kích chống càn; những người bị tra tấn đến chết trong tù trong những năm 40, 50 của thế kỷ trước; những chiến sĩ thuộc các dân tộc thiểu số; những tín đồ tôn giáo đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. “Có thể nói, đây là công việc rất khó khăn, phức tạp, nhiều hồ sơ không còn giấy tờ gốc, nhưng với trách nhiệm và tình cảm, đội ngũ cán bộ làm công tác thương binh và xã hội các cấp từ T.Ư tới địa phương đã nỗ lực hết sức để xác nhận và thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC và thân nhân của họ”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH được kỳ vọng sẽ phát huy các kết quả đã đạt được, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với NCC. Trong đó, chuẩn bị thật tốt dự án Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi) để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp tới. Đồng thời, sớm xem xét, giải quyết những hồ sơ còn tồn đọng, thực hiện ngày càng tốt hơn việc xác nhận đối với những NCC, góp phần bù đắp những đau thương, mất mát của gia đình họ. 

Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, đồng bào trong nước và đồng bào Việt Nam sinh sống ở nước ngoài cần tiếp tục chung tay chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với NCC, coi đó là tình cảm, vinh dự và trách nhiệm đối với những người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất, xây dựng và bảo vệ đất nước.