Tạo động lực để kinh tế bứt phá

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để kinh tế bứt phá nếu như tạo được động lực thật sự và giải quyết tốt các vấn đề còn vướng mắc hiện nay…

Chính phủ chủ trương thúc đẩy phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân. Ảnh: LAM ANH
Chính phủ chủ trương thúc đẩy phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân. Ảnh: LAM ANH

Theo Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2018 và tình hình những tháng đầu năm 2019, do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày tại QH, năm 2018, chúng ta đã đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo QH. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD. Thu NSNN vượt 8% so dự toán; bội chi 3,46% GDP (đã báo cáo 3,67%); nợ công ở mức 58,4% GDP. Bốn tháng đầu năm 2019, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. GDP quý I đạt 6,79%. Tổng thu NSNN bốn tháng tăng 13,9%, đạt 36,7% dự toán năm.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của QH cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được thời gian qua. Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị đánh giá cụ thể hơn một số vấn đề như nguyên nhân khách quan, chủ quan kết quả đạt được năm 2018, tiếp tục đánh giá đầy đủ thực trạng, nguyên nhân chủ quan của 11 nhóm vấn đề hạn chế chủ yếu, nhất là vấn đề mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC)…

Liên quan công tác thu chi NSNN, ĐB Hoàng Thị Thúy Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, nếu nhìn vào những con số và những nhận định thì chúng ta thấy khá vui mừng với những kết quả đã đạt được trong năm 2018 cũng như những tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, có một số khoản thu quan trọng chúng ta lại chưa đạt được. Đơn cử như trong khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) số thu mới chỉ đạt 91,9%; khu vực đầu tư nước ngoài mới đạt 83,6% và khu vực ngoài quốc doanh mới đạt 96,2% dự toán. Trong khi đó thu từ đất tăng mà thực chất việc thu từ đất cũng giống như bán tài nguyên… để ăn dần. Năm 2018, dự toán thu tiền sử dụng đất 85.900 tỷ đồng, nhưng số thu đã đạt 147.750 tỷ đồng. Thông qua việc thu và cơ cấu nguồn thu như thế này, có thể nói sản xuất, kinh doanh nội địa của chúng ta thật sự chưa phát triển. Chưa phát triển không phải chỉ bằng con số DN giải thể, ngừng hoạt động; mà nó còn thể hiện ở chỗ DN thành lập mới, bởi thành lập rồi, đi vào hoạt động nhưng hiệu quả sản xuất, kinh doanh như thế nào thì mới nộp được thuế... Vì thế, cần phải làm thế nào để DN trong nước thật sự phát triển.

Một bất cập nữa cũng được ĐB Hoàng Thị Thúy Lan chỉ ra, đó là hiện chúng ta vẫn đang phải đi vay, chưa có tiềm lực về tài chính mạnh để đầu tư cho những công trình trọng điểm hoặc cho những công trình cần thiết phải đầu tư… nhưng tình trạng giải ngân vốn ĐTC rất chậm, đặc biệt vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài. Do vậy, năm 2018, Chính phủ đã phải giảm vay trong nước 15.142 tỷ đồng, và giảm vay nước ngoài hơn 20.195 tỷ đồng. Đặc biệt là chi chuyển nguồn rất lớn khi chúng ta phải chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018 là 326.380 tỷ đồng. Số chi chuyển nguồn và kết dư NS của các địa phương lớn đều có xu hướng gia tăng. Chúng ta vui mừng là con số báo cáo chi cho đầu tư phát triển rất lớn, nhưng trên thực tế con số này có giải ngân được hay không, đây chính là thể hiện ở chỗ chi chuyển nguồn này. Không thể chi được nên phải chuyển nguồn và cứ chuyển nguồn từ năm này sang năm khác. Hiệu quả trong điều hành NS như vậy là không cao và chưa phát huy được sức mạnh của đồng vốn. Chúng ta phải có cơ chế để nhanh chóng giải ngân cho đầu tư phát triển. Có như vậy mới tạo động lực thật sự cho tăng trưởng.

ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cũng bày tỏ băn khoăn khi tăng thu NS chủ yếu từ đất đai, trong khi thu từ ba khu vực DN đều không đạt; đặc biệt thu từ khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt thấp nhất, cho thấy hiệu quả hoạt động của DN không cao.

Một vấn đề khác được nhiều ĐBQH quan tâm, đó là tình trạng trốn thuế vẫn diễn ra nghiêm trọng với nhiều thủ đoạn rất tinh vi như việc chuyển giá của các DN FDI thông qua hành vi liên tục nhiều năm báo lỗ nhưng trên thực tế vẫn tuyển dụng thêm lao động và mở rộng quy mô sản xuất.

Đánh giá cao việc Chính phủ chủ trương thúc đẩy phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân (TĐKTTN) để phát triển kinh tế thời gian tới, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, hiện nay việc coi các TĐKTTN lớn để phát triển các chuỗi giá trị là cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương này, cần chú ý xem xét việc hình thành các TĐKTTN dựa trên nền tảng nào, vì hiện nay phần lớn sự phát triển của các TĐKTTN đều đến từ khai thác lợi thế đất đai, tài nguyên.

ĐB Hoàng Văn Cường khuyến cáo, việc lựa chọn các dự án FDI cũng càng bức thiết hơn khi đóng góp của khu vực này rất hạn chế, như đóng góp vào tăng trưởng GDP chỉ 18%, vào thu NS chỉ 14%... Trong khi có đến 52% trong tổng số 16.000 DN FDI khai báo lỗ, thậm chí mất vốn nhưng 52% số DN này vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Điều quan trọng là phải dựa vào sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị. Tuy nhiên, trong vấn đề này cũng cần phải tính toán. Bởi lẽ, những lợi thế của dệt - may hiện nay lại rơi vào các nhà kinh tế tư bản và chúng ta chỉ là gia công. Điều đó đặt ra yêu cầu là chúng ta phải chọn lọc trong thu hút FDI, tránh những lĩnh vực mà DN FDI cạnh tranh trực tiếp với DN trong nước.