Tiền Giang

Tăng tốc xây dựng nông thôn mới

Do xuất phát điểm thấp, Tiền Giang có số xã nông thôn mới (NTM) ít nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhưng những năm gần đây, phong trào xây dựng NTM ở tỉnh đã bứt phá ngoạn mục, trở thành điểm sáng của cả nước.

Mô hình trồng thanh long trên giàn tại xã nông thôn mới Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo.
Mô hình trồng thanh long trên giàn tại xã nông thôn mới Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo.

Phấn khởi chờ xuân

Càng cuối năm, càng có nhiều xã ra mắt NTM. Niềm vui NTM đang tỏa rộng trên toàn tỉnh. Trở lại làng hoa Mỹ Phong (thuộc xã NTM Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho) với không khí tất bật. Nhiều hộ đang miệt mài chăm sóc những chậu hoa cúc, mồng gà, vạn thọ… để kịp bán Tết.

Bà Nguyễn Thị Năm, thành viên Tổ hợp tác hoa tươi xã Mỹ Phong phấn khởi cho biết, xã được công nhận đạt chuẩn NTM là niềm vui chung của chính quyền và nhân dân. Ngoài hưởng lợi từ hạ tầng do Nhà nước đầu tư, việc người tham gia tổ hợp tác cũng mang đến nhiều lợi ích. Năm nay, gia đình bà Năm trồng hơn 1.000 giỏ hoa cúc mâm xôi và cúc Hà Lan, đến thời điểm này, ruộng hoa phát triển khá thuận lợi. “Gắn bó nhiều năm với nghề trồng hoa Tết, nếu thời tiết thuận lợi thì nghề này cho người trồng thu nhập khá. Chúng tôi rất kỳ vọng vụ hoa năm nay sẽ bán được giá, để đón một cái Tết sung túc”, bà Năm chia sẻ.

Về lại xã NTM Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo), nơi này giờ đây như khoác lên mình chiếc áo mới. Đường sá được đầu tư trải nhựa, bê-tông hóa, những vườn thanh long bạt ngàn, thẳng tắp, đời sống người dân ngày một khấm khá. Công tác xây dựng NTM ở xã Mỹ Tịnh An còn gắn liền quá trình phát triển của hợp tác xã (HTX) Thanh long Mỹ Tịnh An - một trong những HTX kiểu mới được đánh giá hoạt động hiệu quả nhất tỉnh.

Ông Lê Văn Thủy gắn bó từ những ngày đầu thành lập HTX chia sẻ, trước khi tham gia vào HTX, đầu ra trái thanh long của người dân nơi đây rất bấp bênh, việc tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào thương lái. Nhờ tham gia HTX, đầu ra trái thanh long được ổn định, người nông dân được chuyển giao khoa học, kỹ thuật để phòng trị bệnh trên cây hiệu quả, giúp nâng cao năng suất, chất lượng của cây thanh long.

Cũng theo ông Thủy, với hơn 1 ha thanh long ruột trắng của gia đình, mỗi năm ông thu hoạch được khoảng 60 tấn trái, bán được khoảng 600 triệu đồng. Trừ đi chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 300 triệu đồng, gia đình có của dư, của để. Nhờ đó, những cái Tết gần đây gia đình đều ăn Tết lớn.

Khi cán bộ “đi từng ngõ, gõ từng nhà”

Câu chuyện xây dựng NTM ở Tiền Giang khởi đầu thật gian nan. Tân Mỹ Chánh (thành phố Mỹ Tho) là xã đầu tiên của tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn NTM. Kể từ đó, xã đã không ngừng giữ vững và nâng chất 19/19 tiêu chí. Khi xây dựng NTM, Tân Mỹ Chánh chọn tiêu chí số 18 (Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật) làm nền tảng để thực hiện.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Lê Ngọc Hóa, xã còn xác định tiêu chí giao thông là khâu đột phá trong xây dựng NTM. Do đó, xã xác định làm tốt tiêu chí giao thông sẽ tác động tích cực đến các tiêu chí nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo… Theo đó, xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhà nước và nhân dân cùng làm với phương châm “nhận thức đúng, hành động đúng”, “hiểu đúng, làm đúng”, “dân góp, dân làm, dân thụ hưởng”. “Xã còn phân công nhiệm vụ cho mặt trận, đoàn thể đến vận động với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “vào từng hộ, gặp từng người”. Ngoài ra, xã luôn đổi mới phương pháp tuyên truyền vận động nhân dân, xây dựng nòng cốt cán bộ gương mẫu trong hiến đất, tài sản làm đường, “việc làng đất vàng cũng hiến”, Bí thư Lê Ngọc Hóa cho biết.

Trước đây, khi có chủ trương xây dựng chợ Tân Mỹ Chánh, xã mới bàn, quyết định xây dựng chợ ở vị trí hiện tại bởi không còn quỹ đất và cũng không có kinh phí để giải tỏa, đền bù ở vị trí khác. Khi họp dân để làm đường vào chợ, người dân không đồng tình vì cho rằng chợ nằm sâu bên trong không thuận lợi cho việc mua bán. Tuy nhiên, địa phương vẫn quyết tâm xây dựng và từng bước thuyết phục người dân.

Khi chợ xây dựng xong, xã mới vận động các tiểu thương vào mua bán nhưng người dân vẫn không vào. Do đó, xã mới cho lực lượng xuống lúc 2 - 3 giờ sáng tại chợ nghiên cứu xem người dân buôn bán như thế nào để tính toán kế hoạch di dời. Sau đó, xã đã huy động lực lượng đến chợ lúc 2 - 3 giờ sáng, người dân nào chở hàng tới bày ra thì mời vô chợ. “Chúng tôi làm liên tục một tuần như vậy, do đó các tiểu thương dần quen và hưởng ứng nhờ việc buôn bán thoải mái, không phải chịu thuế, không ai xử phạt. Hiện chợ Tân Mỹ Chánh đang rất đông đúc, gần 100 lô đều có tiểu thương đăng ký buôn bán, không còn tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường nữa”, Bí thư Lê Ngọc Hóa hồ hởi chia sẻ.

Phát huy sức mạnh trong dân

Nhiều năm nay, phát huy vai trò của người đảng viên, ông Nguyễn Nghĩa Dũng (xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành) đã đóng góp tích cực vào công tác xây dựng NTM tại địa phương. Theo đó, song song hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Dũng còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhất là hưởng ứng phong trào “Toàn dân tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM”. Từ năm 2015 đến nay, ông Dũng đã hỗ trợ kinh phí để hai xã Nhị Bình và Dưỡng Điềm xây dựng trụ sở ấp văn hóa, đường giao thông nông thôn, thi công đèn đường, trang bị cơ sở vật chất cho trường học với số tiền hơn 100 triệu đồng. Ngoài việc trực tiếp đóng góp kinh phí, ông Dũng còn phát huy vai trò người đảng viên trong vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM. Khi biết xã chuẩn bị làm con đường để phục vụ việc đi lại cho nhân dân nhưng còn khó khăn. Trong các buổi uống nước trà với đối tác trên địa bàn xã, bằng uy tín cá nhân, ông đã thuyết phục, vận động những người bạn cùng tham gia đóng góp kinh phí để xây dựng đường. Từ đó, người dân bắt đầu hưởng ứng và đồng tình ủng hộ.

Hiện nay, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, sản xuất nước uống đóng chai của ông Dũng góp phần giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên và khoảng 200 lao động thời vụ. Ông còn đầu tư thức ăn và con giống cho 20 hộ dân tại địa phương chăn nuôi heo không tính lãi với nguồn vốn ước khoảng hai tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều gia đình có điều kiện sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Với những đóng góp, đồng hành cùng địa phương trong xây dựng NTM, mới đây, ông Dũng là đại diện của tỉnh được tặng Danh hiệu “Nông dân xuất sắc Việt Nam 2019”.

Ông Ngô Văn Hết (ấp Tân Long, xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo) cũng là một trường hợp tiêu biểu. Trước đây, ông chạy xe ba gác chở hàng thuê tại địa phương, nhưng do sức khỏe kém nên chuyển sang chạy xe Honda ôm, thu nhập khá bấp bênh. Tuy cuộc sống khó khăn, nhưng ông luôn nhiệt tình và dành nhiều thời gian cho các hoạt động xã hội, nhất là tham gia xây dựng NTM. Dù ít đất canh tác, nhưng khi chính quyền địa phương cần nơi để xây dựng trụ sở ấp, ông đã tình nguyện hiến hơn 120 m² đất mặt tiền của mình dọc theo lộ Nhà Thờ (trị giá khoảng 300 triệu đồng) để làm điểm hội họp, sinh hoạt của người dân trong xóm, ấp. Với nghề chạy xe ôm của ông, số tiền 300 triệu đồng quả thật là rất lớn. Song, vì lợi ích chung của bà con trong ấp, ông đã sẵn sàng hiến đất khi nhà nước cần.

Năm 2016, Tiền Giang mới có 12 xã đạt chuẩn NTM, thuộc diện thấp nhất trong khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, vào nhiệm kỳ 2016 - 2020, công tác xây dựng NTM được chú trọng hơn, tạo sự bứt phá ngoạn mục. Đến cuối tháng 11-2019, toàn tỉnh có 84 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm sáu xã ra mắt NTM nữa, nâng tổng số xã NTM trên toàn tỉnh là 90 xã. Trong năm 2020, Tiền Giang tiếp tục phấn đấu ra mắt gần 30 xã đạt chuẩn NTM. Tiền Giang cũng đang phấn đấu ra mắt hai huyện NTM vào năm 2020 là Gò Công Đông và Chợ Gạo.