Tấm lòng mẹ Đấu

“… Mẹ bán con heo cộng với tiền dành dụm trong nhiều năm được 5,6 triệu đồng để xây cây cầu bê-tông”. Mẹ Đấu kể chuyện mình bỏ tiền xây cầu hơn 20 năm trước. Đó là một trong rất nhiều việc làm ý nghĩa của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Đấu khiến nhiều người cảm phục. 

Mẹ Đấu đóng góp 150 triệu đồng để trùng tu Đền thờ liệt sĩ xã Châu Bình.
Mẹ Đấu đóng góp 150 triệu đồng để trùng tu Đền thờ liệt sĩ xã Châu Bình.

Hết lòng 

- “Mẹ ơi! Có nhà không?”. 

- “Đứa nào vậy bây! Vô nhà uống nước”.

Nghe tiếng gọi, mẹ Đấu (Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Đấu, SN 1931, ngụ ấp Bình An, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) từ dưới nhà đi lên đón khách. Năm nay đã 89 tuổi, mẹ vẫn còn minh mẫn, sức khỏe khá tốt. Mẹ Đấu sống một mình, mọi sinh hoạt, ăn uống đều tự làm. Những đứa cháu ở chung quanh lâu lâu đến thăm nom, mua thực phẩm giúp mẹ. Hằng ngày, chính quyền địa phương phân công cán bộ đi làm ngang qua ghé thăm, chăm sóc mẹ. 

Như nhiều gia đình tại vùng căn cứ cách mạng này, cả cuộc đời mẹ Đấu cống hiến cho cách mạng, cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Mẹ Đấu kể: “Mười lăm tuổi mẹ tham gia gác đường, nấu ăn cho bộ đội. Chiến tranh loạn lạc, mẹ nhiều lần theo gia đình chạy giặc ra thị trấn Giồng Trôm lánh nạn rồi quay về cùng cán bộ bám đất, giữ làng. Năm 19 tuổi, mẹ lập gia đình nhưng chỉ ba năm sau thì chồng bệnh mất để lại đứa con trai là Lê Văn Be (SN 1954). Từ đó, mẹ một mình vừa nuôi con vừa tham gia cách  mạng ở địa phương”. 

Khi anh Be 17 tuổi, mẹ Đấu cho con tham gia cách mạng, cầm súng chiến đấu dù biết rằng đó là đứa con duy nhất của mình. Ba năm sau (tháng 6-1974) mẹ  chết lặng hay tin anh Be hy sinh. Gạt nước mắt đau thương, một mình mẹ tham gia cách mạng tại địa phương với tất cả sức lực của mình. Là phụ nữ, mẹ không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng đóng góp công sức đào hầm chông, vận chuyển quân lương cho bộ đội. Đến ngày đất nước thống nhất, mẹ về phần đất hương hỏa của ông bà để lại để trồng trọt, sinh sống. 

Đem cả gia tài góp cho quê hương

Chỉ ra chiếc cầu bê-tông cách nhà vài chục mét, mẹ Đấu kể: “Trước đây con đường trước cửa nhà mẹ vẫn còn lầy lội, chiếc cầu bắc ngang kênh làm bằng thân cây dừa, cây so đũa nên học sinh đi học rất nguy hiểm. Mẹ phải lấy trấu, tro củi rải cho cầu bớt trơn trượt. Vậy mà, mùa mưa đến mấy đứa nhỏ liên tục bị té, có đứa phải quay về nghỉ học vì bẩn hết quần áo. Thấy vậy, mẹ bán con heo cộng với tiền dành dụm trong nhiều năm được 5,6 triệu đồng để xây cây cầu bê-tông”. Thời điểm năm 1997, số tiền này khá lớn, có thể mua gần hai lượng vàng nhưng mẹ Đấu không suy tính gì cho bản thân mình mà quyết tâm làm để tụi nhỏ đến trường dễ dàng.

Tấm lòng mẹ Đấu -0
Cây cầu, con đường bê-tông mẹ Đấu đã đóng góp xây dựng. 

Việc làm của mẹ rất ý nghĩa, không chỉ giúp học sinh đi học mà việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân trong ấp cũng rất thuận tiện. Cựu chiến binh Đoàn Thành (SN 1935, ngụ tại ấp Bình An) nhận xét về mẹ Đấu với lòng tôn kính, nể phục: “Khi nghỉ hưu, tôi về sinh sống và tham gia sinh hoạt đảng, đoàn thể tại địa phương nên chứng kiến tất cả những việc làm tốt đẹp của mẹ Đấu. Gia đình mẹ tham gia kháng chiến và có một đứa con duy nhất hy sinh. Khi hòa bình, một mình mẹ lao động, phát triển kinh tế để đóng góp, xây dựng quê hương. Mẹ tham gia đóng góp bằng sự tiết kiệm, chắt chiu trong nhiều năm và với cả tấm lòng của mình khiến nhiều người rất nể phục”.

Làm cầu được hơn chục năm, chính quyền địa phương vận động bà con trong ấp Bình An làm đường bê-tông nhằm cùng Nhà nước chung tay xây dựng nông thôn mới. Mẹ lại tình nguyện đi đầu đóng góp 75 triệu đồng, 1.500 m2 đất trị giá 150 triệu đồng để cùng bà con làm tuyến đường bê-tông. Chiếc cầu cũ của mẹ được mở rộng, nâng cấp lên để phục vụ việc đi lại của xe bốn bánh. 

Bí thư Đảng ủy xã Bình Thành (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình) Đào Văn Hội kể lại: “Thời điểm ấy tôi là Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình cùng với chính quyền địa phương ra sức vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Mẹ Đấu là người tiên phong, đi đầu trong việc hiến đất, hoa màu, tiền bạc để cùng Nhà nước làm đường giao thông nông thôn. Từ sự gương mẫu của mẹ mà nhiều gia đình đã noi theo, tạo thành phong trào sâu rộng trong nhân dân. Nhờ vậy, xã Châu Bình là xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bến Tre được công nhận xã nông thôn mới dù trước đó không được chọn là xã điểm của tỉnh”.

Đầu năm 2019, một lần ra UBND xã Châu Bình, nghe lãnh đạo địa  phương kể chuyện chuẩn bị trùng tu Đền thờ liệt sĩ nhưng vận động các nhà hảo tâm còn thiếu, mẹ lại xin được đóng góp 150 triệu đồng. Nói về số tiền này, mẹ Đấu cho biết: “Mẹ có thửa đất bán cho đứa cháu hơn 600 triệu đồng nên đóng góp vô để trùng tu xây dựng Đền thờ liệt sĩ trong đó có tên của con mình. Mẹ nghĩ, đời mình chỉ có một đứa con, nếu còn sống thì mẹ sẽ chia gia tài là đất hương hỏa của ông bà để lại. Con đã hy sinh rồi nên mẹ góp tiền vô trùng tu Đền thờ liệt sĩ như xây căn nhà cho con”. Số tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn lại, mẹ Đấu đem xây mồ mả ông bà tổ tiên, làm hàng rào quanh nhà. Mẹ còn hiến hàng trăm triệu đồng cho đình Châu Bình, miếu Bà Bồi (di tích  lịch sử cấp huyện tại xã Châu Bình) để trùng tu, sửa chữa góp phần bảo tồn nét văn hóa tâm linh ở địa phương. Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình Từ Xuân Tiếng cho biết: “Cả cuộc đời mẹ Đấu lo cho dân, cho nước. Mẹ đã hiến gần như toàn bộ gia sản tích góp để xây dựng quê hương. Bây giờ tuổi đã cao, mẹ đã lo hết mọi chuyện, kể cả chuyện hậu sự khi mẹ mất để không làm phiền bất cứ một ai. Mẹ là tấm gương sáng để mọi thế hệ từ cán bộ đến nhân dân noi theo”.  

Con đường phía trước nhà mẹ Đấu đã tráng bê-tông, xe tải chở dừa chạy đến tận nhà thu mua nên bán được giá cao hơn. Người dân chung quanh giờ làm ăn khấm khá, đường đến trường của những đứa trẻ cũng dễ dàng. Tất cả đều được mẹ đóng góp xây dựng bằng sự chắt chiu, dành dụm cả cuộc đời của mình. Mẹ Đấu tâm sự: “Được như vậy là mãn nguyện rồi! Đó là tất cả tấm lòng của mẹ, giờ có chết mẹ cũng an lòng!”. 

Mẹ Đấu có người con trai duy nhất hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1991, mẹ Đấu góp 5,6 triệu đồng xây dựng cầu nông thôn; năm 2014 đóng góp 75 triệu đồng để xây dựng tuyến đường trong ấp; tháng 7-2019 đóng góp 150 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp đền thờ liệt sĩ xã Châu Bình; tháng 8-2019 tặng 100 triệu đồng để tôn tạo đình Châu Bình, 40 triệu đồng trùng tu miếu Bà Bồi. 

Mẹ Đấu cũng tích cực hưởng ứng phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, hiến đất, hoa màu để giải phóng mặt bằng xây dựng các tuyến lộ nông thôn, với tổng số tiền hơn 150 triệu đồng...

Mẹ được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng ba; nhiều bằng khen, giấy khen cho những đóng góp, hy sinh trong kháng chiến cũng như xây dựng quê hương. Tháng 12-2019, mẹ được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do có thành tích trong công tác xã hội, từ thiện, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.