Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Tấm gương sáng về học tập và lao động sáng tạo

Những ai có điều kiện tiếp cận, gặp gỡ, gần gũi với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đều dễ dàng nhận thấy ở đồng chí một cuộc sống thật giản dị, thanh bạch, trong sáng, khiêm tốn và cả khoan dung độ lượng; một bộ óc sáng suốt, đầy trí tuệ, hết lòng vì sự nghiệp của nước, của dân, của Đảng.

Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Tây cũ, ngày 11-1-1992. Ảnh: XUÂN LÂM - TTXVN
Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Tây cũ, ngày 11-1-1992. Ảnh: XUÂN LÂM - TTXVN

Đồng chí Đỗ Mười từ lâu đã được Đảng và Bác Hồ đánh giá cao và tin cậy. Đồng chí có tài nghệ vận động quần chúng - một tài nghệ vô cùng cần thiết đối với nhà cách mạng. Để vận động quần chúng có hiệu quả thì có nhiều tiêu chuẩn, trong đó trước hết phải nói có sức thuyết phục. Khi ở tuổi 80, với cương vị Tổng Bí thư, có lần đồng chí đến Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói chuyện với hàng nghìn cán bộ cao cấp, trung cấp của Đảng và Nhà nước trong tám giờ đồng hồ, cả sáng cả chiều, nói về đề tài quan trọng nhưng dễ khô khan là đường lối, quan điểm của Đảng, vấn đề xây dựng Đảng... mà người nghe không biết chán, càng nghe càng hấp dẫn.

Khi nông dân Thái Bình nổi lên chống lại cán bộ xã, huyện, phá phách trụ sở…, thì ngoài đoàn công tác của T.Ư đến đây giải quyết tình hình, đồng chí Đỗ Mười cũng có chuyến công tác đặc biệt. Đồng chí đã gặp gỡ cán bộ lão thành cách mạng, tiếp xúc và nói chuyện với bà con nông dân, với cán bộ xã, huyện, tỉnh. Theo đó mọi người thông suốt, cắt nghĩa đúng thực trạng, nguyên nhân và tìm ra giải pháp, góp phần đoàn kết, nhanh chóng ổn định tình hình.

Có thể kể đến hàng chục, hàng trăm cuộc tiếp xúc như thế với cá nhân, với tập thể, kể cả với những vụ khiếu kiện đông người, đều rất thành công. Sở dĩ thành công, lời nói có sức thuyết phục cao, vì đồng chí là con người của thực tiễn, đầy ắp thực tiễn, con người của dân, vì dân, chứa chan tình cảm cách mạng, tình đồng chí, nghĩa đồng bào và cả lý luận rất sâu sắc.

Cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi phụ trách Khoa Kinh tế - Chính trị, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Khi ấy, đồng chí Tố Hữu được phân công làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng đã đưa tôi tham gia nhóm nghiên cứu chiến lược kinh tế do đồng chí phụ trách. Đồng chí đã gọi tôi đến nhà nhiều lần để trao đổi về tình hình và lý luận, về những vấn đề kinh tế của Nhà nước. Do vậy, có vài lần tôi được tiếp cận đồng chí Đỗ Mười tại nhà đồng chí Tố Hữu thường sau giờ làm việc buổi chiều. Trước và sau Đại hội V của Đảng, tôi đã viết nhiều bài đăng trên Báo Nhân Dân, trong đó có các bài “Cuộc đấu tranh chống tiêu cực”, “Cuộc đấu tranh giữa hai con đường ở nước ta hiện nay”, “Kinh tế hàng hóa, kết hợp kế hoạch với thị trường”, “Lợi ích kinh tế và thống nhất ba lợi ích”... Tôi được mấy người bạn ở Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng nói lại là đồng chí Đỗ Mười, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách phân phối lưu thông lúc bấy giờ, đã đọc và tán thành, gửi lời động viên, khích lệ, tôi rất phấn khởi. Vào những năm 1986-1988, đồng chí Đỗ Mười làm Thường trực Ban Bí thư, thường triệu tập Thành ủy Hà Nội và các ban của T.Ư đến giao ban, nhất là trước và sau những ngày lễ, Tết. Đồng chí quan tâm lắng nghe phản ánh tình hình tư tưởng và kinh tế - xã hội của Thủ đô. Với tư cách Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khi ấy, tôi có dịp được báo cáo tình hình với đồng chí Đỗ Mười, đồng thời được trực tiếp nghe nhiều ý kiến của đồng chí.

Kể từ tháng 6-1991, đồng chí Đỗ Mười giữ trọng trách Tổng Bí thư của Đảng, tôi có dịp được đồng chí cho tháp tùng một số cuộc thăm và làm việc ở các địa phương, được đồng chí trực tiếp gặp và trao đổi tại phòng làm việc của Tổng Bí thư ở số 4 phố Nguyễn Cảnh Chân. Do vậy, tôi có dịp hiểu biết thêm phong cách và đức độ cùng tầm trí tuệ sâu sắc của đồng chí Đỗ Mười. Cùng một vấn đề, đồng chí đã trăn trở, suy nghĩ, lật đi lật lại gợi ý nhiều lần, đặt câu hỏi nhiều lần cho nghiên cứu, với thái độ rất cởi mở, dân chủ, lắng nghe, rất coi trọng thực tiễn, kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, khích lệ đổi mới tư duy, đồng thời cũng rất coi trọng nguyên tắc.

Đồng chí Đỗ Mười ít khi đọc bài viết sẵn mà thường nói vo, nhưng rất chặt chẽ, logic, sinh động, cuốn hút người nghe. Những bài viết, những dự thảo văn kiện thì đồng chí thường góp ý kiến về nội dung trước khi dự thảo văn kiện và có phong cách, thói quen xem xét rất tỉ mỉ, cặn kẽ, chú ý từng câu, chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy, bảo đảm tính chính trị, đúng thực tiễn và phù hợp với yêu cầu phát triển sáng tạo lý luận. Có những vấn đề nhạy cảm phức tạp, tế nhị, một số đồng chí tham gia hội nghị phát biểu vòng vo, dài dòng, song đồng chí Đỗ Mười bắt mạch rất trúng tư tưởng, tâm lý của người phát biểu, rồi kết luận vấn đề rất sắc sảo, thông thường là mọi người tán thành. Tôi còn nhớ, sau khi khảo sát và làm việc với nhiều tỉnh ủy, thành ủy, xem xét sáu bản dự thảo của trường, viện, học viện, xem xét dự thảo Báo cáo chính trị, nghe các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư phát biểu ý kiến, đồng chí Đỗ Mười cho rằng sự chuẩn bị là chưa thật đúng, chưa thật trúng, xa với yêu cầu của thực tiễn. Đồng chí nói Đảng lãnh đạo lúc này là phải bàn về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phải bàn về quan hệ sản xuất, không như thế thì không còn là lãnh đạo nữa. Sau đó, Tổ biên tập đã viết lại bản dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VIII. Vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng vấn đề quan hệ sản xuất được quán triệt trong cả phần đánh giá tình hình cũng như phần phương hướng, nhiệm vụ, trong cả xây dựng kinh tế cũng như xây dựng hệ thống chính trị. Những cụm từ như nguy cơ chệch hướng, vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội, kết thúc chặng đầu tạo được tiền đề để bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa - phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, năm thành phần kinh tế cùng vai trò, vị trí của từng thành phần, thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cổ phần hóa một bộ phận doanh nghiệp nhà nước... đã xuất hiện trong Báo cáo chính trị lúc bấy giờ.

Khi thôi nhiệm vụ Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã nói với tôi: “Chú cộng tác với tôi, cùng nhau nghiên cứu những vấn đề lý luận về mô hình chủ nghĩa xã hội của nước ta, về đường lối, quan điểm và chính sách của Đảng...”. Nhờ đó, nhiều năm sau, tôi càng có dịp tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng chí Đỗ Mười. Tôi nghĩ rằng đồng chí Đỗ Mười là một trong số những người đứng hàng đầu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, và nói chung cả hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước hết, đó là tấm gương mẫu mực, cần, kiệm, liêm, chính.

Ở tuổi trên 90 mà còn làm việc nhiều như đồng chí Đỗ Mười thật là hiếm có. Hằng ngày, thức giấc lúc 5 giờ, đồng chí nghe bản tin thời sự của các đài trên thế giới; đến 7 giờ ăn sáng, sau đó ngồi vào bàn làm việc, đọc tài liệu, sách báo; 12 giờ ăn trưa, nghỉ trưa; 14 giờ lại ngồi vào bàn làm việc đọc tài liệu, sách báo; 18-19 giờ dùng cơm tối; khoảng 21 giờ đi ngủ. Sáng, chiều hằng ngày thường có khách là các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, các ban, ngành ở T.Ư và địa phương, các chuyên gia và các nhà khoa học đến thăm, đàm đạo và tham khảo ý kiến, cũng có cả nhân dân đến thăm và gặp gỡ. Thường những thư từ kiến nghị hoặc khiếu kiện thì đồng chí chuyển lại cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể xem xét giải quyết.

Khi đương chức cũng như khi nghỉ công tác, đồng chí Đỗ Mười thường mong sao nhân dân ta, Đảng và Nhà nước ta tiết kiệm để đầu tư cho phát triển. Đồng chí lo lắng nhiều về tình trạng lãng phí tài nguyên, đặc biệt là đất đai. Đồng chí cho rằng những buổi khai trương khởi công, khánh thành, lễ hội là cần thiết, chi phí cho nó là cần thiết, song hiện nay còn tình trạng phô trương hình thức, rất lãng phí.

Ở tuổi trên 90, đồng chí Đỗ Mười vẫn thường xuyên đọc sách, thường là để giúp suy nghĩ về những vấn đề chính trị thực tiễn đặt ra. Đồng chí thường trích những ý hay, ý đúng của sách để gửi cho các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước tham khảo. Bộ sách Tư bản của Các Mác dày là thế, mà thấy bút tích đánh dấu của đồng chí Đỗ Mười ở rất nhiều trang. Những dấu vết chì mầu đỏ, mầu vàng, mầu xanh đồng chí Đỗ Mười để lại ở rất nhiều sách, đặc biệt ở các sách kinh điển và sách của Hồ Chí Minh.

(Theo sách Đồng chí Đỗ Mười - dấu ấn qua những chặng đường lịch sử, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2012).