Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại

Tăng cường kết nối cung - cầu lao động, đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là những yêu cầu được Quốc hội (QH) đặt ra trong Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Nghị quyết vừa được QH thông qua với 460/464 đại biểu tán thành chiều 17-11.

Đào tạo tại Trường Cao đẳng Viễn Đông, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: viendong.edu.vn
Đào tạo tại Trường Cao đẳng Viễn Đông, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: viendong.edu.vn

Theo đó, đến năm 2025: Số lượng cơ sở GDNN ngoài công lập đạt tỷ lệ 40%. Cụ thể, đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, QH yêu cầu đẩy mạnh đầu tư, xã hội hóa giáo dục - đào tạo. Đi liền với đó là nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng. Đặc biệt, QH yêu cầu cần sớm ban hành quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Về hệ thống GDNN, QH nhấn mạnh nhiệm vụ triển khai đồng bộ các chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Sớm ban hành Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030; bên cạnh đó, thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở GDNN; đến năm 2025, số lượng cơ sở GDNN ngoài công lập đạt tỷ lệ 40%. Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của hệ thống GDNN.

Với Nghị quyết được thông qua, QH giao thực hiện các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại. Tăng cường kết nối cung - cầu lao động; hạn chế tình trạng đào tạo không gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Từng bước nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về lực lượng lao động, việc làm kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm và đăng ký doanh nghiệp. Song song đó, tích cực triển khai các hoạt động thúc đẩy đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể thực chất tại nơi làm việc; phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Nghị quyết nêu rõ: “Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế hòa giải lao động, trọng tài lao động trong giải quyết tranh chấp lao động” và yêu cầu sớm ban hành chính sách tiền lương hợp lý đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995.