Phát huy “dân vận khéo”

Cách đây tròn 70 năm, trên Báo Sự thật, tiền thân của Báo Nhân Dân ngày nay (số 120, ngày 15-10-1949) đăng bài “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z. Bài viết súc tích, cô đọng, chứa đựng những điều cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Người nhấn mạnh: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Anh Má A Pho (người đứng, xã Sa Pả, huyện Sa Pa, Lào Cai) phổ biến thông tin mới trong buổi họp ở một bản người Mông.
Anh Má A Pho (người đứng, xã Sa Pả, huyện Sa Pa, Lào Cai) phổ biến thông tin mới trong buổi họp ở một bản người Mông.

“Nói đi đôi với làm”

Mùa thu năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong tình thế nguy nan trước “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm. Ngày 28-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi đồng bào “Sẻ cơm nhường áo” để cứu giúp những người nghèo, và Người xin tự nguyện thực hành trước “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Nhân dân xúc động hưởng ứng và thực hiện theo tấm gương của vị Chủ tịch nước.

Dân vận không chỉ nên hiểu đơn giản là “công tác vận động quần chúng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích cụ thể hơn: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho” (Dân vận). Việc dân vận chính là để thực hiện tư tưởng lớn “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu người làm công tác dân vận phải cùng hòa vào cuộc sống hằng ngày của nhân dân để vận động nhân dân có hiệu quả. Cán bộ, đảng viên phải làm gương cho quần chúng, “phải thật thà nhúng tay vào việc” vì “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” (Dân vận) thì không thể hiểu được nhân dân, không thể vận động được nhân dân, không tập hợp, đoàn kết được nhân dân. Muốn dân vận tốt phải: “Tìm mọi cách giải thích để dân hiểu rõ; bàn bạc, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân; khi thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, khuyến khích; khi thi hành xong cùng dân rút kinh nghiệm...”, “tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân...” đều phải là những cán bộ dân vận tốt. Không những thế, khi làm công tác dân vận “thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm” (Dân vận). Người cán bộ làm công tác dân vận cần phải: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Đó chính là sự sâu sát, hiểu được dân cùng với sự nêu gương, nói đi đôi với làm. Làm được đúng như vậy dân mới tin, mới thuyết phục được quần chúng. Chủ trương, chính sách đúng được gắn chặt với sự gương mẫu thực hiện của cán bộ, đảng viên đã tự nó có sức ảnh hưởng lan tỏa trong nhân dân.

Hãy là tấm gương tốt

Khi làm công tác dân vận đối với các đối tượng khác nhau phải rất nhuần nhuyễn cả về nội dung và phương pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói nôm na đó là cách “dân vận khéo”. Các tầng lớp nhân dân không giống nhau về trình độ nhận thức, hoàn cảnh xuất thân và tất nhiên có yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích khác nhau. Người làm dân vận phải hiểu rõ thực tế để có cách làm thật phù hợp, có phương pháp tuyên truyền, giải thích làm sao cho dân dễ hiểu, phải dân chủ bàn bạc với dân để đặt kế hoạch rồi tổ chức cho toàn dân đồng lòng thực hiện. Điều cần thiết nhất với cán bộ dân vận là phải tránh bệnh chủ quan, phải phát huy dân chủ - vì “có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến” đồng thời biết được có những ưu khuyết điểm, hạn chế gì, để từ đó có hướng giải quyết, nhằm thực hiện công việc ngày càng tốt hơn.

Ở tầm cao hơn một công việc cụ thể, làm “dân vận khéo” còn là thực hiện một khoa học về con người, một nghệ thuật về vận động con người. “Dân vận khéo” trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là những chỉ dẫn cơ bản về phương pháp để mọi cán bộ, đảng viên tiến hành tốt công tác vận động quần chúng. Người cũng chính là một mẫu mực về “dân vận khéo”. Người để lại tấm gương sáng về việc tuyên truyền vận động nhân dân không phải chỉ bằng sách báo, mít-tinh, khẩu hiệu, mà bằng những hành động cụ thể, thiết thực, bằng cả phong thái bình dị mà cao quý của mình. Những chuyến đi công tác ở cơ sở, về với nhân dân của Người không có những cách biệt về cấp bậc, chức vụ. Giữa lãnh tụ và quần chúng luôn có sự thân tình, niềm nở, tự nhiên như người thân về với gia đình. Quần chúng nhân dân cảm động nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đi chỉ đạo chiến trường trong mầu áo bộ đội, xắn quần lội ruộng như một lão nông trong bộ đồ bà ba, ân cần, yêu thương chia quà cho các em bé, thân mật trò chuyện với các cụ già, hào hứng bắt nhịp cho mọi người hát bài “Kết đoàn”... Người đã để lại những hình ảnh rất tự nhiên, bình dị mà có sức cuốn hút kỳ lạ.

Hôm nay, có nơi, có lúc, việc tuyên truyền, vận động nhân dân đạt hiệu quả chưa cao. Một số nơi còn xảy ra tình trạng nhân dân chưa đồng thuận, vi phạm dân chủ... Việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong mọi mặt công tác, nhất là công tác dân vận cũng chính là “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” * như những lời Người căn dặn năm xưa.

* Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội, tập 15, tr. 672.