Kỷ niệm 66 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2020)

Nơi đạn bom cày xới năm xưa

Lẫn trong nhịp đập con tim, tôi xúc động lắng nghe sóng nước Nậm Rốm đang kiêu hãnh tấu lên khúc tráng ca về tình đoàn kết keo sơn, trong công cuộc dựng xây và phát triển của các dân tộc anh em nơi thung lũng Mường Trời hôm nay (Điện Biên Phủ - Điện Biên)...

Đồi A1, nơi diễn ra trận quyết chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Đồi A1, nơi diễn ra trận quyết chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Độc đáo công viên - di tích

Giữa đêm giao lưu văn nghệ tại bản Huổi Phạ (phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), tôi bâng khuâng cảm thấy dường như sông Nậm Rốm chảy sát mặt đất, ngay dưới vòng xòe lửa đang rừng rực cháy. Trong niềm da diết khôn nguôi, sông Nậm Rốm kể về sử thi trữ tình “Quám tố mưỡng” ngày cha ông đi tìm đất lập mường.

Trên mảnh đất bom cày đạn xới năm xưa, một thành phố trẻ đang vươn mình. Năm xưa, hồi chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phải mất hằng tháng trời đạp rừng cắt núi mới tới được nơi có sa trường Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ). Vậy mà nay…

Mang theo cảm xúc ấy, chúng tôi tới phường Him Lam - địa bàn “cửa ngõ” của TP Điện Biên Phủ hiện nay - nơi diễn ra trận đánh mở màn (chiều 13-3-1954) của chiến dịch lịch sử. Người đầu tiên chúng tôi gặp là một lão nông tên là Lò Văn Cu, 85 tuổi, dân tộc Thái, bản Huổi Phạ (phường Him Lam). Khi chúng tôi hỏi về ký ức xa xưa thời quân Pháp chọn thung lũng Mường Thanh làm nơi đóng quân của Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ, ông Cu chậm rãi ngậm ngùi: “Năm ấy tôi còn rất trẻ, mới hơn 19 tuổi, nhưng tôi còn nhớ sau khi quân Pháp đổ bộ được một hoặc hai, ba tháng gì đó, chúng cho lính chặt hết cây ăn quả trong bản, đồng thời phá dỡ nhà cửa của các gia đình để lấy vật liệu làm hầm trú ẩn cho chúng. Người dân không dám ra đồng sản xuất vì sợ máy bay ném bom, lúa vụ mùa (tháng 10-1953) chín rũ ngoài đồng mà dân thì chịu đói bụng. Vì quá lo sợ, bà con bản Huổi Phạ bảo nhau lùa hết gia súc, gia cầm lên đồi cho chúng tự kiếm ăn, còn người thì trốn lên khu rừng Huổi Sái. Chừng hơn một tuần sau, bọn Pháp phát hiện được liền cho lính lên rừng càn quét, bắt bà con về bản. Nhưng lúc ấy ở bản nhà cửa có còn gì đâu, mọi người phải chui rúc trong những túp lều gianh tre tạm bợ rất khổ và rất mất vệ sinh. Bọn Pháp sợ nhân dân mình lên rừng theo Việt Minh, hoặc đưa đường cho Việt Minh về bản đánh chúng...”.

Chúng tôi đến trụ sở Ðảng ủy, HÐND, UBND TP Ðiện Biên Phủ. Đồng chí Phạm Khắc Quân, Bí thư Thành ủy Điện Biên Phủ tâm sự trải lòng, vấn đề gìn giữ bản sắc văn hóa khi quy hoạch kiến trúc TP Điện Biên Phủ, chính là tổ chức các dạng công viên du lịch, vui chơi giải trí ven sông Nậm Rốm, tạo ra trục thảm thực vật của thành phố. Một khái niệm tương đối mới trong kiến trúc, đó là hệ thống các “công viên - di tích”, gồm công viên nghĩa trang A1, công viên đồi Độc Lập, công viên nghĩa trang Him Lam... mang đặc trưng Điện Biên, sẽ là các công viên - bảo tàng ngoài trời thú vị và đẹp mắt dành cho khách thưởng lãm.

Nơi đạn bom cày xới năm xưa ảnh 1

Cánh đồng Mường Thanh hôm nay.

Sinh sôi nơi lòng chảo

Hôm nay, hơn sáu thập niên sau trận quyết chiến Điện Biên Phủ, chúng tôi ung dung thả bước giữa lòng chảo Mường Thanh. Nhìn sóng lúa nối nhau chạy xa tít tận chân núi Hồng Mèo, ta không chỉ no con mắt mà còn hả hê tấm lòng về những mùa vàng trên cánh đồng với diện tích lớn nhất trong số các bồn địa có tên vùng Tây Bắc. Những thửa ruộng 40 - 50 triệu đồng một ha cũng nhờ phù sa sông Nậm Rốm mà đơm hoa kết trái, hạt mẩy bông to. Cũng như con người Mường Thanh, sông Nậm Rốm lúc có giặc thì sục sôi đánh giặc, giặc chạy rồi lại cần mẫn góp sức dựng xây. Một dòng sông chảy qua trận mạc, chảy qua truyền thuyết, chảy qua thơ ca, chảy qua hoài niệm, chảy qua những mối tình lãng mạn và chảy qua những mùa vàng no ấm; làm phong phú, ý nghĩa và hấp dẫn thêm tên đất, tên người Điện Biên.

Trên cánh đồng Thanh Xương, chúng tôi may mắn có cuộc trò chuyện với anh nông dân Lò Văn Hạnh, đội 15, xã Thanh Xương. Được biết vụ mùa vừa qua (tháng 10-2019), gia đình anh Lò Văn Hạnh là một trong số 38 gia đình tham gia mô hình điểm cánh đồng “một giống” do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ trương. Trên diện tích hơn 8 ha của 38 gia đình tham gia mô hình, năng suất trung bình đạt hơn 70 tạ/ha; trừ chi phí thu lãi gần 21 triệu đồng/ha, hai vụ sẽ vào khoảng 42 triệu đồng/ha/năm. So lối canh tác cũ, lãi tăng hơn 12 triệu đồng/ha, chi phí sản xuất giảm gần 10 triệu đồng/ha, do thuốc bảo vệ thực vật và phân bón dùng hợp lý hơn...

Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên, trong tập hợp các giống lúa tẻ đã và đang sử dụng trên cánh đồng Mường Thanh, giống IR64 được coi như đại diện ưu tú nhất cho thương hiệu gạo Điện Biên. Năm xưa, “dốc Pha Đin chị gánh anh thồ” từng chứng kiến hàng nghìn tấn gạo tuôn ra tiền tuyến, mặc cho những trận mưa bom kéo dài suốt 48 ngày đêm. Dưới sự tổ chức và điều hành của Hội đồng cung cấp mặt trận, hạt gạo của hậu phương miền bắc thân yêu được gửi lên Điện Biên, làm thành nắm cơm thơm dọc các chiến hào đánh lấn lần đầu tiên áp dụng tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Hàng trăm thanh niên xung phong đã anh dũng ngã xuống, máu của họ lẫn vào đá, vào đất và lẫn vào hạt gạo để làm nên ý chí căm hờn của thế hệ những người “đi ta đi không tiếc tuổi xuân”. Còn hôm nay, phấn khởi làm sao khi gạo Mường Thanh vượt đèo Pha Đin về Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, mang theo nghĩa tình của người nông dân nơi chiến trường xưa.

Hiện giờ, giả sử ai đó nói cánh đồng Mường Thanh thẳng cánh cò bay, thì đấy không chỉ đơn thuần là cách ví von cho có hình ảnh, mà là một thực tế sinh động và hết sức đẹp mắt. Vào các buổi chiều hằng ngày, từng đàn cò sải cánh chao nghiêng trên đồng Mường Thanh, chao nghiêng trên bờ vai các cô gái Thái hay lam hay làm, đẹp người đẹp nết. Một khung cảnh thôn quê yên bình có ruộng đồng xanh mướt, có cánh cò chớp trắng và những người nông dân làm ruộng bằng cơ giới hóa toàn phần. Gần hai chục năm lại đây, cùng với giống ngô bao tử, rồi thì đậu, đỗ các loại, cánh đồng Mường Thanh nhận thêm vào lòng một loại cây mới theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng - đó là cây hoa. Đã đến lúc ăn no thôi chưa đủ, thậm chí ăn ngon cũng hoàn toàn chưa đủ, mà người Mường Thanh còn làm phong phú cuộc sống từ những đóa hoa. Chợ hoa Điện Biên những ngày kỷ niệm hoặc dịp lễ, Tết rực rỡ bởi muôn hồng nghìn tía; tạo cho ta cảm giác như thổ cẩm trên áo, thổ cẩm dưới đồng, thổ cẩm trong chợ và thổ cẩm hiện lên những đôi mắt huyền lúng liếng yêu thương.

Nhận thấy Điện Biên sẽ là thị trường hoa tiềm năng, một số doanh nghiệp từ Lào Cai, Sơn La, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh... lên Điện Biên với mộng làm giàu từ các giống hồng, lan, huệ, cúc, thược dược, lay ơn... Hy vọng rồi đây cũng như cây lúa Mường Thanh, cây hoa Mường Thanh sẽ tỏa hương về với muôn nơi, tạo nên nét quyến rũ đặc trưng của một vùng đất hương hoa lẫn vào hương lúa, cho ta hạt cơm thơm như thể đóa hoa thơm.