Làm rõ trách nhiệm để phát sinh nợ đọng thuế

Trong khuôn khổ chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội (QH) đã cho ý kiến vào Tờ trình dự thảo Nghị quyết (NQ) của QH về xử lý tiền nợ đọng thuế (NĐT) đối với người nộp thuế (NNT) không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN). UBTVQH đã cơ bản tán thành và đề nghị Chính phủ rà soát các luật liên quan, chỉ đưa vào NQ những đối tượng cần phải xử lý NĐT mà chưa có quy định và làm rõ trách nhiệm liên quan tình trạng NĐT.

Người dân tìm hiểu các quy định của ngành thuế. Ảnh: LAM ANH
Người dân tìm hiểu các quy định của ngành thuế. Ảnh: LAM ANH

Theo tờ trình của Chính phủ, thời gian qua, cơ quan quản lý thuế đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hồi NĐT. Theo đó, số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước; bình quân từ năm 2015 - 2018 thu đạt 80% số nợ có khả năng thu hồi; tốc độ tăng bình quân 14,4%/năm. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến năm 2017 xuống mức 7,6% và tính đến cuối năm 2018 còn 6,7%, năm 2019 tiếp tục giảm. Tuy nhiên, tình hình NĐT còn cao do nhiều nguyên nhân khác, như: có 2.635 NNT là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; có 24.113 doanh nghiệp (DN) tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể; có 731.696 NNT (trong đó: 197.336 DN, 534.360 hộ gia đình và cá nhân) bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc không còn hoạt động…

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đến ngày 31-12-2018, số NĐT lên đến 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so cùng thời điểm năm 2017, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu về NSNN chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ, tương ứng 41.387 tỷ đồng. Về mặt pháp lý, Luật Quản lý thuế (QLT) năm 2006 chưa có quy định để xử lý nợ thuế đối với NNT đã chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh và không còn khả năng nộp NSNN. Do đó, không có cơ sở để xử lý số tiền nợ thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt chậm nộp.

Mặt khác, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 vừa được QH thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020, trong đó đã có quy định để xử lý nợ cho các đối tượng này. Để giải quyết NĐT không còn khả năng nộp NS, cần thiết phải xây dựng NQ của QH về xử lý tiền thuế nợ của NNT không còn khả năng nộp NSNN, tạo cơ chế pháp lý để xử lý dứt điểm tiền thuế nợ, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm không còn khả năng thu. Đồng thời, xử lý tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho những NNT có phát sinh nợ thuế, bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác.

Bộ trưởng Tài chính cho biết thêm, nội dung NQ này quy định về xử lý tiền thuế nợ đối với NNT không còn khả năng nộp NSNN, bao gồm: tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật QLT số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành. Về đối tượng áp dụng, sẽ bao gồm: NNT có tiền thuế nợ thuộc đối tượng được xử lý tiền thuế nợ quy định tại NQ này; cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế; cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

NQ quy định thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp NNT quyết định việc khoanh nợ. Với DN và tổ chức, Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 15 tỷ đồng trở lên; Bộ trưởng Tài chính quyết định xóa nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng; Tổng cục trưởng Thuế, Tổng cục trưởng Hải quan quyết định xóa nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xóa nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp dưới 5 tỷ đồng… Thời gian NQ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2020 và thực hiện trong thời hạn ba năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.

Báo cáo thẩm tra dự thảo NQ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - NS (UBTCNS) của QH Nguyễn Đức Hải cho biết, Cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành và để bảo đảm minh bạch, gắn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khoanh nợ, xóa nợ, cần nghiên cứu bổ sung thêm nguyên tắc quy định về trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định của pháp luật và theo quy định của tổ chức Đảng. Ngoài ra, để khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân, DN quay lại sản xuất kinh doanh, đề nghị chỉ thu hồi đối với các trường hợp được xóa do bỏ trốn, bỏ địa chỉ kinh doanh và trường hợp do vi phạm pháp luật.

UBTCNS nhất trí về sự cần thiết ban hành NQ của QH về vấn đề này. Đồng thời, UBTCNS tán thành bổ sung dự án NQ này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và trình UBTVQH cho ý kiến vào nội dung của dự án NQ cùng với việc xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, đề nghị Chính phủ rà soát các luật liên quan QLT và chỉ đưa vào NQ những đối tượng cần phải xử lý NĐT mà chưa có quy định liên quan. Đồng thời, Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của đối tượng nộp thuế, cơ quan QLT, cán bộ các bộ, ngành, địa phương liên quan tình trạng để NĐT trong thời gian qua để báo cáo QH xem xét, cho ý kiến.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển kết luận: “UBTCNS chủ trì, phối hợp các Ủy ban của QH, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm tra chính thức nội dung này để trình QH tại Kỳ họp thứ 8 (dự kiến tháng 11 tới đây) theo thủ tục rút gọn tại một kỳ họp”.