Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển

Để hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ 21, chúng ta sẽ phải nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển, trong đó hoàn thành ba đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. 

Sự năng động, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp là nguồn nội lực quan trọng cho phát triển. Ảnh: NAM ANH
Sự năng động, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp là nguồn nội lực quan trọng cho phát triển. Ảnh: NAM ANH

Thành công hơn kỳ vọng

Trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội (QH) khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so những dự tính ban đầu nhiệm kỳ. Tuy nhiên, như câu tục ngữ “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong 5 năm qua chúng ta đã đoàn kết cùng nhau khắc phục nhiều hạn chế, bất cập nội tại và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trên con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới, với cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ 21 sẽ có mặt đủ mọi thành phần, từ công - nông đến trí thức, doanh nhân, người dân, không ai bị bỏ lại phía sau. 

Với tinh thần bám sát thực tiễn, giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách. Trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) được siết chặt, gắn với triển khai kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm; cơ cấu chi NS chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển. Bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,45%. Nợ công giảm từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,3% GDP và được cơ cấu lại bền vững hơn, an toàn hơn. Đồng thời, thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân.

Thủ tướng nhấn mạnh, có thể tự tin cho rằng, nhờ có được tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong bốn năm tăng trưởng cao 2016 - 2019, chính là “của để dành” góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân chúng ta vượt qua khó khăn vừa qua của dịch Covid-19. Năm 2020, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so năm 2015, đạt hơn 340 tỷ USD. Trong 5 năm qua chúng ta đã cùng nhau tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới. Bên cạnh các thành tựu kinh tế, phát triển giáo dục, văn hóa xã hội cũng được chú trọng để phát huy sức mạnh nội sinh của quốc gia. Khi kinh tế càng phát triển thì đời sống vật chất, tinh thần của người dân càng được nâng cao, chăm lo và chính sự năng động sáng tạo của người dân, doanh nghiệp (DN) là nguồn nội lực bền vững cho phát triển.

Chủ động hội nhập, tăng sức chống chịu của nền kinh tế

Đánh giá cao các báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 được trình bày tại kỳ họp của QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước... phát biểu ý kiến tại phiên họp tổ trong khuôn khổ kỳ họp thứ 11, QH khóa XIV chiều 25-3, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, đại biểu QH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, có thể nói, về cơ bản các báo cáo đã tổng hợp, đánh giá tương đối sát, đầy đủ và có chất lượng suốt hoạt động trong nhiệm kỳ này của QH, Chính phủ, Chủ tịch nước cũng như của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chúng ta cần phải đi sâu và làm rõ, phân tích kỹ hơn nữa về các thành tựu và các mặt bất cập, nguyên nhân của nó. Từ việc tổng kết công tác của nhiệm kỳ, sắp tới chúng ta sẽ có QH khóa mới, Chính phủ khóa mới, do đó, những vướng mắc cần phải được định vị rõ, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để tìm hướng giải quyết dứt điểm. Có như vậy, chúng ta mới có thể đạt được những kết quả tích cực hơn nữa trong nhiệm kỳ mới.

Theo đại biểu Trần Tuấn Anh, các thành tích, thành tựu cơ bản của Chính phủ đã được nêu rất rõ. Những nội dung này đã trải rộng trong tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt là quan điểm của Đảng và chỉ đạo điều hành của Chính phủ rất nhất quán, xuyên suốt về đường lối đổi mới và mở cửa hội nhập. Đây là nhân tố then chốt giúp chúng ta có điều kiện để tiếp tục phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập sâu rộng và thế giới đang biến động rất nhanh và phức tạp. Hiện nay, vai trò của Việt Nam trong hội nhập và đối ngoại quốc tế đã thay đổi rất lớn. Sự chủ động dẫn dắt này đã mang lại hiệu quả cho chiến lược hội nhập, qua đó khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong dàn xếp các hoạt động đàm phán và phối hợp các nước đối tác. Việc định hướng phát triển theo hướng đa phương hóa và đa dạng hóa, một lần nữa khẳng định tính đúng đắn trong đường lối của Đảng, nhờ đó kinh tế của chúng ta, đặc biệt là thị trường ngoài nước và xuất nhập khẩu liên tục tăng trưởng và mang tính bền vững, nâng cao được vị thế trong các chuỗi cung ứng quốc tế.

Đại biểu Trần Tuấn Anh cho rằng, với việc hội nhập thì năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của DN Việt Nam đã được khẳng định. Sức chống chịu của nền kinh tế, đặc biệt là các sản phẩm của ngành công nghiệp, nông nghiệp đã được tăng lên. Bằng chứng cho thấy, năm 2020, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản vẫn đạt 41,25 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19.