Cuộc “trùng phùng” từ bức ảnh đặc biệt

Hơn ba năm sau khi quy tập ngôi mộ tập thể trong sân bay Biên Hòa, rất nhiều thân nhân các liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa và Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 vẫn không nén được cảm xúc mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc các cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Đồng Nai tìm thấy ngôi mộ. Đối với các thân nhân, nếu không có sự quyết tâm của Đại tá Mai Xuân Chiến, nguyên Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai thì có lẽ đường về của các liệt sĩ còn xa lắm.

Martin, Bob và AHLLVTND Chế Trung Hiếu.
Martin, Bob và AHLLVTND Chế Trung Hiếu.

Nửa thế kỷ nỗi lòng người ở lại

“Trước khi ra trận ông ấy dặn ở nhà chăm chỉ nuôi con, khi nào đất nước bình yên ông ấy về. Thế mà từ khi con được năm tháng đến khi đã hơn 50 tuổi, nó mới được đón bố về”, bà Bùi Thị Tuyết vừa lau nước mắt vừa nói về liệt sĩ Bùi Văn Thược. Ông Thược cũng như các đồng đội khác ở Tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa và Trung đoàn 4, Sư đoàn 5, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 tại sân bay Biên Hòa, đã anh dũng hy sinh.

Sau trận chiến, địch gom xác các anh và tưới  xăng đốt rồi đào hố chôn lấp theo hình thức tập thể ngay trong khu vực sân bay. Theo tài liệu từ các đơn vị trực tiếp tham gia, trận đánh hôm đó có 150 chiến sĩ hy sinh. Sau chiến tranh, tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần tổ chức tìm kiếm ngôi mộ nhưng không có kết quả. Nhiều nhân chứng từng tham gia trận đánh đều được tỉnh mời đến hỗ trợ tìm kiếm, điều duy nhất họ biết là sân bay Biên Hòa có diện tích rất lớn, để tìm được ngôi mộ không hề đơn giản. 

Cuối năm 2016, Đại tá Mai Xuân Chiến, nguyên Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai tiếp nhận được một thông tin vô cùng quý giá từ kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Xuân Thắng ở TP Hồ Chí Minh, thông tin bắt nguồn từ một bức ảnh chụp sân bay Biên Hòa năm 1968.

“Bức ảnh đó anh Thắng sưu tầm và chia sẻ lên mạng từ hơn 10 năm trước. Cựu chiến binh Bob Conner của Mỹ xem được và đã bình luận bên dưới bức ảnh. Khi tôi đọc những dòng bình luận của Bob được anh Thắng dịch lại khiến tôi sửng sốt”. Sau rất nhiều năm tìm kiếm không có kết quả, thì những dòng chữ ngắn ngủi của Bob như chiếc chìa khóa thần kỳ mở ra cánh cửa bí mật. Cùng với bức ảnh chụp sân bay Biên Hòa là hàng trăm bức không ảnh cùng hàng chục trang giấy chứa toàn bộ nội dung mà KTS Nguyễn Xuân Thắng và các cộng sự trao đổi với những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. “Xem toàn bộ tư liệu anh Thắng chuyển, giây phút ấy tôi đã tin tưởng nghĩ đến một cuộc “trùng phùng” đặc biệt của hàng trăm thân nhân và các liệt sĩ ngay tại Biên Hòa”, Đại tá Mai Xuân Chiến chia sẻ.

Ngay sau đó, Đại tá Mai Xuân Chiến đã báo cáo lên Ban Chỉ đạo 1237 tỉnh Đồng Nai (nay là Ban Chỉ đạo 515) đồng thời đề nghị tổ chức hội thảo, tìm kiếm tất cả các nhân chứng từng tham gia chiến đấu tại sân bay Biên Hòa trong trận đánh lịch sử mùa xuân 1968 để củng cố thêm nguồn tin.

Hàng chục cuộc hội thảo về tìm kiếm liệt sĩ sân bay Biên Hòa liên tục được diễn ra. Hàng trăm nhân chứng được mời đến tham dự. Nghe tin tỉnh Đồng Nai tổ chức tìm kiếm đồng đội mình, nhiều nhân chứng thuộc đặc công U1 Biên Hòa hay Sư đoàn 5 dù ở hàng trăm cây số cũng liên hệ tỉnh Đồng Nai để cung cấp thông tin. Đại tá Mai Xuân Chiến kể: “Thời điểm đó, hầu hết các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Đồng Nai đều cùng phối hợp chặt chẽ. Phía công an còn cung cấp cho chúng tôi thông tin của những người dân từng sinh sống quanh khu vực sân bay trong thời điểm diễn ra trận đánh và tôi đều đích thân đi gặp họ nhờ giúp đỡ. Chỉ cần một thông tin rất nhỏ, chúng tôi cũng không bỏ sót bởi nếu không làm bây giờ thì sẽ không còn cơ hội tìm nữa”.

Ngoài ra, với sự kết nối của KTS Nguyễn Xuân Thắng và đặc biệt là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Chế Trung Hiếu, một người rất giỏi ngoại ngữ và đã có nhiều cuộc trao đổi với các cựu binh Mỹ, Đại tá Mai Xuân Chiến đã liên hệ với cựu chiến binh Bob Conner đề nghị cung cấp thêm thông tin. Bob Conner nguyên là Trung sĩ cảnh sát bảo vệ sân bay Biên Hòa với nhiệm vụ ngồi canh trên tháp nước để quan sát khu vực sân bay. Trong trận đánh Tết Mậu Thân 1968, ông đang trong ca trực nên không trực tiếp tham gia. Tuy nhiên, ông khẳng định, ngôi mộ chỉ cách tháp canh chừng trên dưới 2 km nên đã khoanh vùng vị trí nghi có mộ. Bob cũng cho biết, người trực tiếp tham gia quá trình chôn cất bộ đội Việt Nam hôm đó là chỉ huy cũ của ông - Đại úy Martin E.Strones. Martin E.Strones nguyên là chỉ huy sân bay Biên Hòa. Sau khi trở về từ cuộc chiến tranh Việt Nam, ông làm việc trong quân đội và trở thành một quân nhân cấp cao của Bộ Quốc phòng. 

“Với vị trí hiện tại của Martin, để liên hệ và lấy thông tin cực kỳ khó khăn nhưng tôi nghĩ rằng không thử thì làm sao biết được”, Đại tá Mai Xuân Chiến tâm sự. Khi biết người liên hệ với mình, Martin E.Strones bảo rằng ông sẵn sàng cùng Bob sang Việt Nam để giúp Đồng Nai tìm ngôi mộ trên. Đại tá Mai Xuân Chiến đã làm công văn gửi lãnh đạo tỉnh đề xuất mời hai cựu binh Mỹ sang Đồng Nai.

Cuộc “trùng phùng” từ bức ảnh đặc biệt -0
Không ảnh sân bay Biên Hòa. 

Tình người xuyên biên giới

Tháng 3-2017, hai cựu binh Mỹ là Martin E.Strones và Bob Conner đã sang Việt Nam theo lời mời của Ban Chỉ đạo 1237 tỉnh Đồng Nai. Ngay lập tức họ xuống hiện trường. Khi đứng ở địa điểm năm xưa mình từng tham chiến, Bob rất xúc động. Ông tâm sự: “Chúng tôi rất cảm thông và chia sẻ nỗi mất mát của các gia đình cũng như Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi rất sẵn lòng khi có cơ hội được giúp đỡ Việt Nam và chỉ dẫn tìm những ngôi mộ. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi được sẻ chia những đau thương đã từng trải qua, để hàn gắn và thấu hiểu, tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai dân tộc”.

Dù đã được hai cựu binh Mỹ khoanh vùng và xác định vị trí nhưng phải mất gần hai tháng tìm kiếm với diện tích hơn 3 ha, Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai mới tìm được ngôi mộ này.

Có mặt trong suốt gần hai tháng quy tập liệt sĩ bên trong sân bay Biên Hòa, cựu chiến binh Lâm Văn Âu, nguyên Đại đội trưởng thuộc Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 không nén được cảm xúc. Ông cho biết: “Tôi tham gia nhiều trận đánh nhưng chưa có trận nào ác liệt như trận mùa xuân 68 ở sân bay Biên Hòa. Bên trong thì đại liên 12 ly 7 gõ liên tục, vòng ngoài thì máy bay liên tục đánh bom. Trận đánh kết thúc khi trời gần sáng, đơn vị tôi hy sinh gần hết. Bao nhiêu năm nay, trong các cuộc gặp của những người may mắn sống sót, lúc nào cũng trăn trở vì các đồng đội của mình còn nằm đâu đó dưới nền đất kia mà chưa tìm được. Khi nghe tin tỉnh Đồng Nai quyết tâm tìm các anh ấy, tôi rất cảm động. Ngày nào cũng tới đây chờ đưa các anh lên khỏi mặt đất”.

Gần hai tháng đào từng khoảnh đất tìm kiếm, ngôi mộ của hàng trăm liệt sĩ đã được tìm thấy. Khi những tấm tăng hiện ra, hài cốt các anh chồng lên nhau, nhìn những hình ảnh ấy, ai cũng nghẹn ngào.

Do các liệt sĩ trước khi an táng đã bị đốt cháy cộng thêm thời gian quá lâu trong lòng đất nên hầu hết đã bị phân hủy và không thể để riêng mỗi người nên tỉnh Đồng Nai đã đặt các liệt sĩ trong 72 tiểu sành và an táng trong một ngôi mộ chung. Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai đã mời 68 thân nhân đến từ 23 tỉnh, thành phố tới dự lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai. 

Trong những thân nhân có mặt tại lễ truy điệu và an táng liệt sĩ hôm ấy, bà Tạ Thị Kiều Trung, vợ liệt sĩ Lê Hữu Lễ xúc động đi không vững. Khi buổi lễ truy điệu kết thúc, bà vẫn lặng lẽ đứng trước ngôi mộ chung. Bà bảo rằng: “Tui được đồng đội báo là ảnh đã hy sinh ngay đêm mồng 1, rạng mồng 2 Tết khi đánh ở Biên Hòa. Giải phóng xong tui đi tìm ảnh mà không được. Hôm nay tui rất vui vì biết được nơi ảnh yên nghỉ, tôi mãn nguyện rồi”.

Sáu tháng kể từ khi KTS Nguyễn Xuân Thắng chuyển thông tin, bằng tấm lòng của một người thế hệ sau và bằng quyết tâm của một người mang áo lính, Đại tá Mai Xuân Chiến cùng những người trong cuộc đã mang đến cho hàng trăm gia đình có người thân hy sinh tại sân bay Biên Hòa năm 1968 những cuộc “trùng phùng” cảm động. ây Ninh ngày 1-4-1970...

Năm 2019, Đại tá Mai Xuân Chiến nghỉ hưu. Từ đó đến nay, ông cùng KTS Nguyễn Xuân Thắng và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Chế Trung Hiếu tiếp tục giữ mối liên hệ với các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam để tìm thêm thông tin về những ngôi mộ tập thể. 

Các thông tin nhóm đã chuyển cho cơ quan chức năng: Thông tin về ngôi mộ tập thể bên trong Sân bay Tân Sơn Nhất; Thông tin về ngôi mộ tập thể các liệt sĩ đặc công D40F3 hy sinh ở Hoài Ân, Bình Định; Thông tin về mộ tập thể trận Phước Quả 3 ở Bình Phước; Thông tin về 88 liệt sĩ hy sinh trong trận Tà Xia - Tân Biên - Tây Ninh ngày 1-4-1970…