Bộ phim tài liệu “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình”:

Công phu, chân thực và đi vào lòng người

Kể từ thời điểm công chiếu ngày 3-2 đến nay, 19 tập của bộ phim tài liệu lịch sử “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” của Báo Nhân Dân đã được phát sóng tới đông đảo người xem. Bên cạnh những góp ý mang tính xây dựng, đa số người xem đều đánh giá đây là bộ phim đầy đủ và có sức hấp dẫn cao về lịch sử Đảng Cộng sản và đất nước ta trong thời đại Hồ Chí Minh.

Ảnh về chiến thắng Điện Biên Phủ cắt từ clip trong bộ phim.
Ảnh về chiến thắng Điện Biên Phủ cắt từ clip trong bộ phim.

1. Đối với thể loại phim tài liệu, bộ phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” đã đáp ứng đầy đủ và thậm chí vượt trên kỳ vọng của người xem nhờ lượng dữ liệu lịch sử đồ sộ, phong phú. “Công phu, chân thực và đi vào lòng người” là ba đặc điểm được người xem đánh giá cao nhất về những tư liệu lịch sử trong phim.

Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc, tác giả kịch bản phim “Hà Nội 12 ngày đêm” và nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng khác, nhận định: “Bộ phim có rất nhiều tư liệu quý, lần đầu được công bố. Đây có thể coi là phim tài liệu sử thi đồ sộ nhất, cung cấp cho người xem cái nhìn toàn cảnh về 90 năm đấu tranh hào hùng, thông minh, sáng tạo của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo anh minh của Đảng và Bác Hồ. Không chỉ thế, bộ phim còn là nguồn sử liệu quý giá, với những hình ảnh đắt giá về cuộc sống, con người, văn hóa, kinh tế của Việt Nam trong thế kỷ 20 và 21”.

Với dung lượng rất lớn, bộ phim đã chọn lựa kỹ lưỡng, nhấn mạnh những cột mốc quan trọng của cách mạng Việt Nam. Cách làm này vừa cho thấy toàn cảnh, nhưng cũng nhấn sâu cận cảnh một cách linh hoạt. Bên cạnh đó, nhiều người xem ấn tượng với mạch phim được kể với tiết tấu nhanh, lối dựng tương phản, song song giữa quá khứ và hiện tại, sử dụng cả hình ảnh đen trắng và hình ảnh mầu, cộng thêm hòa âm công phu... Sự kết hợp tốt giữa hình ảnh và âm thanh này đã tạo sức lôi cuốn, khiến cho bộ phim vừa mang tính tuyên truyền, nhưng cũng đậm chất nghệ thuật. Đây cũng là bộ phim đáp ứng tốt nhu cầu xem của đại chúng, nhưng cũng có phần chuyên sâu, độc đáo dành cho các nhà nghiên cứu. Có thể nói, bộ phim vừa bác học nhưng cũng hết sức bình dân.

2. Đối với những người ở thế hệ từng trải qua năm tháng khói lửa chiến tranh, các giá trị nội dung và nghệ thuật của bộ phim đã làm sống lại những ký ức bi thương nhưng cũng hết sức hào hùng ngày ấy. Ông Bùi Quang Thuận, một cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975 cảm nhận: “Trước đây, có nhiều sự kiện tôi chỉ biết sơ lược qua chương trình học phổ thông hoặc tiếp xúc xã hội, nhiều điều còn mơ hồ và thậm chí quên dần do tuổi tác và thời gian... Nhưng nhờ bộ phim tài liệu này, tôi có cơ hội xem lại những thời khắc trọng đại của dân tộc, hiểu thêm về những người cộng sản chân chính chèo lái con thuyền đất nước vượt qua những năm tháng gian khổ nhưng đầy tự hào”. Người cựu chiến binh cũng cho rằng, các sự kiện được đề cập khách quan và chân thực, không thấy sự “tô hồng” hay “né tránh” lịch sử: “Có sự nghiên cứu kỹ càng trong khai thác tư liệu thể hiện được nội dung, đạt hiệu quả tốt cho chủ đề muốn nói, đây là một thành quả đáng trân trọng của những người làm phim”.

Hầu hết công chúng thuộc thế hệ trước đều kỳ vọng bộ biên niên sử này sẽ là phương tiện hữu ích, giúp cho lớp người đi sau hiểu thêm về lịch sử nước nhà và khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Thông qua nhiều phản hồi tích cực cho thấy, những thước phim lịch sử sống động và giàu cảm xúc đã thật sự lôi cuốn thế hệ trẻ. “So các phim tư liệu khác, đội ngũ làm phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” đã có nhiều cố gắng đưa đầy đủ các sự kiện lịch sử, diễn biến có lồng ghép minh họa sinh động cho toàn bộ các chặng đường của 30 năm kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là một biên niên sử về thời đại nên việc phải theo dòng các dấu mốc, sự kiện là bắt buộc. Ở bộ phim này, em thấy không chỉ tránh được sự nặng nề, khô khan mà thậm chí có rất nhiều chi tiết xúc động và lôi cuốn hơn”, em Phan Sỹ Dũng (22 tuổi), sinh viên năm cuối Đại học Thủy Lợi (Hà Nội) chia sẻ.

Dù phim công chiếu chưa lâu, những người yêu mến bộ phim đã đưa ra nhiều góp ý chân thành và mang tính xây dựng cho đoàn làm phim. Cụ thể như ý kiến của anh Vũ Trung Mỹ (46 tuổi), Phó Vụ trưởng Trung Đông - Châu Phi - Mỹ la-tinh của Ban Đối ngoại T.Ư bày tỏ: “Được sự quan tâm và chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cùng với việc là một sản phẩm tâm huyết ra đời từ Báo Nhân Dân, bộ phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” thật sự là một tác phẩm phim tài liệu xứng tầm và thậm chí gây ấn tượng bất ngờ đối với đông đảo người xem. Theo ý kiến cá nhân, đây có lẽ là bộ phim tài liệu quy mô, chân thực và hấp dẫn nhất trong số tất cả những bộ phim tôi từng xem. Từ góc nhìn là một cán bộ làm công tác đối ngoại, tôi thật sự kỳ vọng trong thời gian tới, bộ phim sẽ được thuyết minh bằng nhiều thứ tiếng khác, để cộng đồng đông đảo những người nước ngoài yêu mến Việt Nam có cơ hội tìm hiểu thêm về lịch sử Đảng và đất nước ta trong thời đại Hồ Chí Minh”.