Con người là nguồn lực quyết định

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh vừa khép lại chặng đường 5 năm (2015 - 2020) với nhiều kết quả, thành tựu nổi bật. Bước sang giai đoạn mới, trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được đồng thời nỗ lực, quyết tâm huy động thêm các nguồn lực trên tinh thần sáng tạo, đổi mới, hứa hẹn sẽ đưa thành phố phát triển lên một tầm cao mới. 

Giao thông đô thị - hướng mở cho TP Hồ Chí Minh.
Giao thông đô thị - hướng mở cho TP Hồ Chí Minh.

Nhìn lại để kế thừa

Phát biểu ý kiến khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11 vừa diễn ra từ ngày 14 đến 18-10 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã phát huy truyền thống cách mạng “Bản lĩnh, kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình”, nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực”. 

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, thành phố tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Có 11/14 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 10 đã hoàn thành. Trong đó, có bốn chỉ tiêu vượt kế hoạch là: chỉ tiêu tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP hằng năm (chỉ tiêu là từ 35% trở lên; thực hiện đạt 38,42%); chỉ tiêu về tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân (chỉ tiêu là khoảng 30%; thực hiện đạt 33,5%); chỉ tiêu về tạo việc làm mới trong 5 năm (chỉ tiêu là 625 nghìn lao động; thực hiện đạt 671.207 lao động); chỉ tiêu đến cuối năm 2020, tổng diện tích xây dựng mới (chỉ tiêu là 40 triệu m²; thực hiện đạt 48 triệu m²). 

Trong năm cuối của nhiệm kỳ, chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 song các mặt công tác quy hoạch, quản lý và phát triển hạ tầng và dịch vụ đô thị đạt nhiều kết quả thiết thực. Văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển; chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao. Nổi bật, trong công tác an sinh xã hội, đến cuối năm 2018, thành phố đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo (về đích trước hai năm) theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 10 và tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững hai năm cuối (2019 - 2020) của giai đoạn 2016 - 2020. Đến cuối năm 2020, hoàn thành mục tiêu “cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố”.

TP Hồ Chí Minh là địa phương có năng suất lao động cao gấp 2,6 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Nhờ đó, dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% số lao động cả nước nhưng thành phố đóng góp hơn 22% vào kinh tế cả nước, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 là 7,7%/năm. Nhiều năm qua, thành phố luôn là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất, chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia. TP Hồ Chí Minh cũng là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất, chiếm tỷ trọng 15% công nghiệp và 33% dịch vụ của cả nước. 

Thành phố là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước với các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ có nhiều đổi mới, là địa phương đi đầu triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, quản lý giao thông đô thị. Tuy vậy, thành phố cũng thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, hạn chế là: Chưa phát huy được nhiều tiềm năng, lợi thế để tạo ra những cơ hội trong hợp tác vùng và hợp tác quốc tế để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Công tác phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, lãnh đạo tuy có quyết liệt nhưng nhiều vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân vẫn tiếp tục xảy ra tác động không nhỏ đến quá trình xây dựng và phát triển thành phố; tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng tiềm năng, vị thế đặc biệt quan trọng của thành phố; kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế;…

Tập trung cho nguồn lực con người

Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11 đề ra mục tiêu, định hướng phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Đặc biệt là định hướng thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông - Nam Á. Để hiện thực hóa bốn chương trình phát triển TP Hồ Chí Minh (chương trình đột phá đổi mới quản lý thành phố; chương trình đột phá phát triển hạ tầng; chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa; chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực) giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 với hàng chục đề án nhánh khác nhau, thành phố cần sự đổi mới sáng tạo và tinh thần quyết tâm cao, ý chí vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ và nhân dân thành phố. 

Một trong các nội dung quan trọng được nhiều đại biểu quan tâm trong suốt quá trình thảo luận về các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố trong giai đoạn tới là vấn đề phát triển nguồn lực con người. Để các chương trình mục tiêu đề ra đạt hiệu quả, một trong những vấn đề cốt lõi thành phố cần phải giải quyết được là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đồng chí Nguyễn Tấn Phát, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh, thành phố đang trong quá trình xây dựng và phát triển trở thành đô thị thông minh. Để thực hiện kế hoạch này, thành phố chắc chắn phải cần một nguồn nhân lực đủ năng lực để triển khai. Tương tự, đối với chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa với 11 đề án, chương trình cụ thể, đồng chí Nguyễn Tấn Phát đề nghị thành phố quan tâm và triển khai đề án về đào tạo cán bộ cho thành phố. Cùng với đào tạo tài năng trẻ, chương trình giáo dục chất lượng cao cũng cần gắn với chương trình đào tạo cán bộ, cả về nhận thức chính trị, chuyên môn và trình độ quản lý để ngang tầm với nhiệm vụ hiện nay. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Thị Thu Hường cũng cho rằng: Thành phố cần chuẩn bị con người “đạt chuẩn” để mục tiêu đến năm 2025, thành phố cơ bản trở thành đô thị thông minh. Thành phố cần có các chương trình đào tạo cán bộ, huấn luyện thông qua các cấp học được triển khai một cách chủ động và hiệu quả phù hợp với xu thế phát triển, thích ứng với yêu cầu của thời cuộc.

Trong phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11 mới đây, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh đến yếu tố con người trong quá trình phát triển của thành phố. Thủ tướng Chính phủ lưu ý thành phố cần xem con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là mục tiêu phát triển. Thành phố cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên. Thành phố có đủ nhiều điều kiện và nguồn lực để thực hiện thì trong đó, khi nguồn lực về con người đủ mạnh, tâm huyết, chắc chắn các mục tiêu lớn đã đặt ra trong giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn xa hơn sẽ sớm trở thành hiện thực. 

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN VĂN NÊN ĐẮC CỬ BÍ THƯ THÀNH ỦY TP HỒ CHÍ MINH 

Tối 17-10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa 11 nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến hành Hội nghị lần thứ nhất để bầu Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư và bốn Phó Bí thư. Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh gồm 16 đồng chí; đồng chí Nguyễn Văn Nên đắc cử Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khóa 11; Bốn Phó Bí thư gồm các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Nguyễn Thị Lệ, Nguyễn Thành Phong và Trần Lưu Quang. Đại hội cũng bầu 61 đồng chí trúng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa 11.