Chính phủ đã tập trung xử lý nhiều vấn đề khó khăn

Nhìn lại giai đoạn 2016 - 2020, dù mục tiêu tăng trưởng chưa đạt kế hoạch 5 năm, song đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, tô đậm thành tựu của 35 năm đổi mới.

Năng suất lao động đã được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm.
Năng suất lao động đã được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội (QH) khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 và phương hướng 5 năm 2021 - 2025. 

Báo cáo về giai đoạn 5 năm vừa qua, Thủ tướng cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng ước cả năm đạt 2 - 3%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so năm 2015. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN.

Đồng thời, chúng ta tiếp tục duy trì và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016 - 2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so GDP đạt khoảng 33,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 1,7 lần… Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH được tập trung nguồn lực đầu tư; nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn đã hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2019. 

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra (6,8%) do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu đề ra (ước đạt 5,9% so mục tiêu 6,5% - 7%). Cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một số lĩnh vực còn chậm, hiệu quả chưa cao. Xã hội hóa dịch vụ công và đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều bất cập. Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thật sự bền vững; khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, tầng lớp nhân dân chậm được thu hẹp; cải cách hành chính một số lĩnh vực còn bất cập; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn. Đổi mới lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thực thi, chấp hành pháp luật có nơi chưa nghiêm. Quản lý biên giới, bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội trên một số địa bàn diễn biến phức tạp. Tham nhũng, lãng phí ở một số nơi còn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Khiếu kiện về đất đai còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương…

Đánh giá chung, Thủ tướng cho rằng, mặc dù còn những hạn chế, vướng mắc và gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016 - 2020, tô đậm thành tựu của 35 năm đổi mới với những bước tiến vượt bậc. Sau bốn năm liên tiếp 2016 - 2019 cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước, năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19 nhưng chúng ta đã thành công trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển KT-XH, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, kế hoạch KT-XH năm 2021, định hướng giai đoạn 2021 - 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí và đánh giá cao những kết quả đạt được đã nêu trong báo cáo của Chính phủ.

Theo Ủy ban Kinh tế, năm 2020 dự kiến có 8/12 chỉ tiêu đạt và vượt, GDP tăng trưởng dương (ước đạt hơn 2%) là một điểm sáng trong khu vực và thế giới. Nhiều giải pháp, chính sách đã được ban hành, hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân bước đầu vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển KT-XH.

Giai đoạn 2016 - 2020, sau bốn năm đầu thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch, năm 2020 đại dịch Covid-19 bùng phát, cùng với ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu đã tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện một số chỉ tiêu. Theo đánh giá sơ bộ 5 năm, có 15 chỉ tiêu đạt và vượt, bốn chỉ tiêu không đạt. Tốc độ tăng GDP giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Xây dựng thể chế đạt nhiều kết quả tích cực, hệ thống pháp luật và cơ chế điều hành ngày càng đồng bộ, hoàn thiện và bao quát hơn, lần đầu thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm và kế hoạch đầu tư công 5 năm. 

“Công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, tập trung vào xử lý nhiều vấn đề KT-XH khó khăn, thể hiện sự năng động, nhất quán, sâu sát, quyết liệt”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đánh giá. 

Bên cạnh đó, để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn kết quả đạt được và hạn chế của năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, cơ quan thẩm tra của QH cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Cụ thể, rà soát, đánh giá rõ hơn kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội; làm rõ khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu bổ sung các giải pháp thực hiện mục tiêu phòng, chống đại dịch Covid-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế những tháng cuối năm 2020 và giai đoạn tiếp theo. Trong quản lý thu chi ngân sách, cần đánh giá rõ thêm về khả năng thu, tình hình hụt thu và việc giảm chi theo quy định và mức bội chi hợp lý, những tác động đến nợ công, kinh tế vĩ mô.