Bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm

“Năm 2018, cả 12 chỉ tiêu đều đạt và vượt, trong đó có chỉ tiêu vượt cao hơn con số đã báo cáo Quốc hội (QH). Bước sang năm 2019, Chính phủ xác định đây là “năm bứt phá” để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Tới đây, Chính phủ sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng; xử lý nghiêm mọi hình thức “chạy chức, chạy quyền”; thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát…”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định.

Năm 2019 được xác định là “năm bứt phá” để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Năm 2019 được xác định là “năm bứt phá” để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7 QH Khóa XIV, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, 12 chỉ tiêu năm 2018 đều đạt và vượt, trong đó có chỉ tiêu vượt cao hơn số đã báo cáo QH. Bước sang năm 2019, Chính phủ xác định đây là “năm bứt phá” để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Những tháng đầu năm 2019, kinh tế vĩ mô (KTVM) tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 6,79%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân bốn tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong ba năm qua. Công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại được đẩy mạnh. Chính phủ cũng tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, xăng dầu, bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát. Công tác thanh tra được đẩy mạnh; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được triển khai tích cực. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt. Các cơ quan chức năng cũng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, được dư luận đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo lãnh đạo Chính phủ, vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. KTVM chưa thật sự ổn định vững chắc do giá dầu thô, xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi diễn biến bất ổn, khó lường. Cổ phần hóa (CPH), thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cũng chưa đáp ứng yêu cầu; xử lý dự án yếu kém, thua lỗ còn khó khăn. Chi ngân sách ở một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự tiết kiệm. Những hành vi, vi phạm về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, dâm ô trẻ em và biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử; gian lận thi cử, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng… vẫn xảy ra, gây bức xúc xã hội.

Kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa nghiêm; phối hợp công tác hiệu quả chưa cao; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa được ngăn chặn hiệu quả…

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2019, Chính phủ đề ra bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Thứ nhất, kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng; Thứ hai, các ngành, các cấp có kế hoạch, giải pháp cụ thể tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; Thứ ba, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Thứ tư, kiên quyết không để xảy ra sai phạm, gian lận thi cử; kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Thứ năm, thực hiện tốt công tác tiếp công dân; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; đẩy nhanh tiến độ, sớm ban hành các kết luận thanh tra đối với các vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Thứ sáu, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, đầu tư công, các dự án BT, BOT, CPH DNNN, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ...; Thứ bảy, kiên quyết phòng chống, xử lý nghiêm mọi hình thức chạy chức, chạy quyền. Các cơ quan chức năng sẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát; có cơ chế xử lý kịp thời tài sản liên quan các vụ án kinh tế, tham nhũng, không để tài sản xuống cấp, đóng băng…

Thẩm tra báo cáo nêu trên, Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị, Chính phủ đánh giá đầy đủ thực trạng, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan kết quả KT-XH năm 2018. Trong đó, làm rõ tình hình tồn ngân Kho bạc Nhà nước và việc sử dụng nguồn vốn này; các biện pháp cơ cấu lại hệ thống quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Tình trạng chuyển giá, lỗ giả lãi thật, trốn thuế, gây thất thu ngân sách của một số DN vẫn tồn tại; cần đánh giá toàn diện chính sách ưu đãi đầu tư với DN FDI từ đó hoàn thiện chính sách về FDI. Mặt khác, chi phí không chính thức giảm nhưng còn cao, gia nhập thị trường khó khăn; DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn và tiếp cận vốn hạn chế. Vấn đề chuyển đổi số tạo thuận lợi cho phát triển nền kinh tế số chưa được triển khai. Nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng bất lợi đến ổn định và tăng trưởng như việc tăng giá điện, xăng dầu, dịch vụ y tế... ảnh hưởng đến lạm phát, tăng trưởng chậm lại trong lĩnh vực sản xuất… Đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động đối với CPI và các mặt KT-XH.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh còn đề nghị, Chính phủ cần tăng cường dự báo, phân tích các diễn biến, đánh giá đầy đủ rủi ro bên ngoài, hạn chế nội tại của nền kinh tế và cảnh báo, đưa ra phương án dự phòng, điều chỉnh phù hợp tránh gây bất ổn kinh tế.