Bảo vệ di tích lịch sử trên biển đảo quê hương

Chúng tôi được đến bốn đảo nổi gồm: Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây và hai đảo chìm: Đá Thị, Đá Nam. Những di tích lịch sử, di sản trên một số đảo khiến tôi ghi nhớ và thêm tự hào về truyền thống giữ gìn lãnh thổ biên giới quốc gia trên biển của các thế hệ cha anh bao đời.

Dưới bóng cây di sản ở đảo Nam Yết.
Dưới bóng cây di sản ở đảo Nam Yết.

Bia chủ quyền ở đảo Nam Yết & Song Tử Tây

Trên đảo Nam Yết và Song Tử Tây, cầu cảng, bờ kè chắn sóng, hội trường, nhà khách, chùa, trường học, khu nhà dân làng chài, âu tàu, trạm khí tượng… sừng sững đứng trụ giữa gió mưa bão tố cùng cán bộ chiến sĩ Hải quân Lữ đoàn Trường Sa 146 ngày đêm bảo vệ chủ quyền đất nước.

Đại tá Trần Minh Thuần - Lữ đoàn phó Quân sự Lữ 146, trưởng đoàn công tác dẫn tôi đến thăm những cột bia chủ quyền trên đảo. Đến nay, tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết vẫn còn hai bia chủ quyền được xây dựng từ năm 1956 và đó cũng là hai bia cũ nhất được bảo tồn ở quần đảo Trường Sa. Tại đảo Nam Yết, bia chủ quyền nằm trong khuôn viên chùa Nam Huyên. Còn ở đảo Song Tử Tây, di tích này nằm ngay trên trục đường chính dẫn từ cầu cảng vào khu trung tâm hành chính của xã đảo. Dưới những tán bàng vuông và phong ba cổ thụ xòe bóng, trong khuôn viên hơn 15 m2, bia chủ quyền được bảo vệ cẩn thận bằng hàng rào gạch cao khoảng khoảng 1 m.

Bia chủ quyền trên đảo Nam Yết hiện chỉ còn phần thân bia với hai mặt trước sau khắc biểu tượng hải quân và chữ. Bia chủ quyền trên đảo Song Tử Tây còn nguyên vẹn hình dáng với phần thân bia hình khối lập phương và phần chóp nhọn giống kim tự tháp. Theo năm tháng thời gian cùng sự khắc nghiệt của thời tiết, các bia cột mốc đã rêu phong phai bạc nhưng với những giá trị về lịch sử, văn hóa, tháng 11-2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xếp hạng di tích lịch sử “Bia chủ quyền đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết” là di tích cấp tỉnh và đến ngày 13-6-2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định xếp hạng di tích Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết là Di tích lịch sử Quốc gia. Đây là hai di tích lịch sử, là bằng chứng có giá trị quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. Thượng tá Vũ Duy Khánh, Phó Chủ nhiệm phòng Chính trị Lữ đoàn 146 chia sẻ: “Bia chủ quyền di tích quốc gia luôn được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ gìn giữ, bảo quản và chúng góp phần khẳng định chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Dù trong hoàn cảnh nào của lịch sử, mọi người lính hải quân Việt Nam và toàn thể nhân dân Việt Nam đều có ý thức trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia”.

Cây di sản ở Trường Sa

Các đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa cách đất liền hàng trăm hải lý, chung quanh đảo là đại dương vây bọc, khí hậu khắc nghiệt với nắng nóng khô hạn suốt mùa khô, giông bão mưa táp suốt mùa mưa, vị mặn của muối biển xâm lấn hằng năm khiến các công trình bị bào mòn hư hại nhanh chóng, hệ thực vật, động vật cũng khó phát triển. Tuy thế, từ sức người tái tạo, từ sức mạnh thiên nhiên, cây cối vẫn cùng người vượt lên giữa trùng trùng mưa nắng gió bão mà sinh sôi phát triển, vươn nhánh xòe tán tỏa bóng che chắn cán bộ, chiến sĩ và làm hàng rào vững chắc bảo vệ đảo. Với thổ nhưỡng cằn cỗi là san hô, đá sỏi, cát… ở các đảo cộng thời tiết đại dương chỉ một số loài cây có khả năng tồn tại sinh trưởng như: cây bàng quả vuông, phong ba, mù u, tra, dừa, phi lao, muống biển và cỏ sắc cạnh…

Trong số những loài cây nơi đảo xa sóng gió ấy, có bốn loại cây đã được Hội đồng Cây di sản Việt Nam thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản, đó là: Cây bàng quả vuông ở đảo Nam Yết; cây phong ba ở đảo Song Tử Tây và hai cây mù u cổ thụ trên đảo Sơn Ca, Sinh Tồn Đông. Những cây này đều đã hơn 100 tuổi, già nhất là cây phong ba ở đảo Song Tử Tây, nó có tuổi thọ hơn 300 năm, cây nằm ngay sau sở chỉ huy của đảo, cao khoảng 25 m, chu vi thân cây gần 4 m, tán tỏa rộng tầm 35 m. Riêng cây mù u ở đảo Sơn Ca có tán xòe rộng che trọn công viên thanh niên. Dưới tán cây, bộ đội ta kê bàn ghế đá, gỗ, anh em lính đảo dựng hai chòi cột nền bằng xi-măng, mái lợp tôn để làm nơi tiếp khách, ngồi thư giãn đọc sách, đàn hát sau mỗi buổi tập luyện thao trường và hoàn thành trực gác nhiệm vụ.

Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca, Thượng tá Trần Văn Nhương giới thiệu với tôi: “Khí hậu, thủy văn ở đảo Sơn Ca mang đặc trưng khí hậu thủy văn của quần đảo Trường Sa, mùa hè mát, mùa đông ấm. Tuy nhiên do ở vĩ độ thấp nên thời tiết buổi trưa oi bức… Mỗi cây xanh ở đây đều ghi dấu kỷ niệm của từng cán bộ, chiến sĩ công tác tại đảo các thời kỳ và của các đại biểu các đoàn công tác ra thăm, làm việc tại đảo hằng năm”. Tôi đứng ngắm nhìn cây mù u cổ thụ giữa sân lớn đảo Sơn Ca, thân cây lớn phải bốn người ôm mới xuể, lá xanh thẫm vươn chìa mạnh mẽ và tôi hình dung những năm tháng cây vươn mình mãnh liệt trước mưa nắng biển khơi, những chứng kiến buồn vui của cây với bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ từng công tác tại đây. Thượng tá Nhương nói rằng, chúng không chỉ góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp cảnh quan môi trường cho đơn vị, làm khí hậu mát mẻ, che chắn sóng gió mà còn có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn ý thức về nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng biển, đảo thiêng liêng của quê hương.