Cần chấm dứt trò diễn phản cảm!

Đầu tháng 11-2020, trên internet xuất hiện một số clip có cùng đề tài như: “Chính quyền thị trấn Cao Phong, Hòa Bình có thông đồng với nhóm “yêu đồ lính”?”, “Lời nhắn đến chính quyền thị trấn Cao Phong, Hòa Bình”… 

Thông tin từ các clip cho biết, một nhóm người trong trang phục của cái gọi là “quân lực VNCH” tổ chức nhảy nhót, chụp ảnh trước tượng lãnh tụ, Quốc kỳ Việt Nam. Hành động này ngay lập tức khiến dư luận rất bức xúc, lên án. Có người còn coi đây là “sự xúc phạm tới anh linh bao nhiêu người đã ngã xuống vì sự nghiệp chống Mỹ, ngụy để giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước”. Đến ngày 10-11, qua bài “Xung quanh sự việc một nhóm người mặc trang phục lính ngụy dự đám cưới ở huyện Cao Phong”, báo Hòa Bình điện tử cho biết: Sáng 7-11-2020, một nhóm nam giới và phụ nữ không phải người địa phương mặc trang phục kiểu của lính VNCH mấy chục năm trước đến dự đám cưới ở xóm 1 thị trấn Cao Phong, được chủ nhà bố trí ăn uống trong hội trường nhà văn hóa. Sau đó họ đóng cửa, nhảy múa, hát hò sinh hoạt riêng. Dù là nhóm sở thích song đập vào mắt là hình ảnh nhố nhăng của cả nam và nữ, mắt đeo kính đen, phì phèo thuốc lá…

Thật ra chuyện cũng không mới, và phẫn nộ trước hiện tượng này, báo chí đã có bài lên án như: “Ảo tưởng thú “chơi” đồ lính”, “Những kẻ dị hợm”… Dư luận trên internet còn phê phán quyết liệt hơn, có thể xem các clip như “VNCH là một đội quân ô nhục mà nhóm người này lại mặc quân phục VNCH”, “Yêu đồ lính hay những thước phim khơi gợi lại nỗi đau người Mẹ Việt Nam?”, “Cựu lính ngụy SG gửi tới các vị thích mặc đồ quân lực VNCH”, “Hội yêu đồ lính, nhạc vàng của đám quái thai, dị nhân đến dị hợm đang trêu ngươi xã hội”… Tuy nhiên điều đáng nói là trước hiện tượng đáng phê phán nêu trên, đến nay vẫn chưa được chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng nào quan tâm một cách đúng mức để có biện pháp giải quyết. Có lẽ vì thế nhóm người nhân danh cái gọi “hội yêu đồ lính” ngày càng ngông nghênh, tiếp tục ngang nhiên đưa lên internet hình ảnh của họ trong trang phục các sắc lính từ mũ nồi đỏ, mũ nồi xanh, đến biệt động, thủy quân lục chiến,… đi xe Jeep kiểu trước 1975 hoặc xe máy, kéo đàn kéo lũ dàn hàng ngang trên đường, dựng cảnh vác súng luồn rừng, đánh trận, bị thương,… trên nền các bài hát rền rĩ ca ngợi cái gọi là “quân lực VNCH”. 

Sống trong xã hội, mỗi người đều có quyền được lựa chọn trang phục phù hợp sở thích cá nhân. Nhưng cũng chính vì là một thành viên sống trong xã hội mà quyền đó không phải không có giới hạn, mà cần phù hợp tiêu chí văn hóa của xã hội, và đặc biệt là phải phù hợp yêu cầu đạo đức. Những người tham gia cái gọi là “hội yêu đồ lính” vì thế cũng nên tham khảo ý kiến một bạn đọc khi thảo luận trong clip “Yêu đồ lính hay những thước phim khơi gợi lại nỗi đau người Mẹ Việt Nam?” viết rằng: “Mặc cái gì tốt đẹp thì nên mặc còn mặc đồ của chế độ bán nước, thua trận lưu vong cả dân tộc căm ghét thì có nên mặc không? Đội quân mà nói đến là người ta nhớ đến hình ảnh đi đến đâu đàn áp, bắn giết, cướp bóc đốt nhà, đánh đập, tra tấn thì đồ đó có đẹp không?” để xem xét hành vi của mình, từ đó chấm dứt trò diễn mà lâu nay họ vẫn ngang nhiên thể hiện. Mặt khác, đã đến lúc chính quyền cùng các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để chấn chỉnh thứ hành vi phản cảm, diễn ra đã quá lâu và khiến dư luận xã hội bức xúc, phẫn nộ.