Bịa ra “quyền tự do xuất bản” để thực hiện mưu đồ xấu!

Cuối năm 2019, RFA, VOA, BBC cùng lúc rêu rao việc HRW (Theo dõi Nhân quyền), AI (Ân xá quốc tế) phản đối Việt Nam “đàn áp” cái gọi “nhà xuất bản tự do” vì đó là nơi “phát hành những cuốn sách về chính trị, chính sách công vốn không được chính quyền Hà Nội chấp nhận”.

Đến đầu tháng 5-2020, một người tự nhận là “nhà báo tự do”, được đồng bọn tán dương là “nhà dân chủ”, lại đưa lên Facebook một statut la lối “chế độ đang truy sát nhà xuất bản tự do”. Statut này lập tức được đăng trên một số địa chỉ, trong đó có trang Facebook của tổ chức khủng bố “Việt tân”! Cần phải nói thẳng rằng, đó là luận điệu rất trơ tráo, bởi về nguyên tắc, ở bất kỳ quốc gia nào việc sản xuất, kinh doanh loại sản phẩm “không được chính quyền chấp nhận” cũng đều bị xử lý và không phải là việc chỉ xảy ra ở Việt Nam. Nên khi lên tiếng phản đối, chính AI, HRW cũng như “nhà dân chủ” nọ đã bộc lộ mục đích công khai khuyến khích, bảo vệ hành vi vi phạm luật.

Hiện tượng lén lút sản xuất sách vở, tài liệu có nội dung tiêu cực, chống phá chế độ, chứa đựng luận điệu sai trái, xuyên tạc đường lối và chính sách của Đảng, Nhà nước, cổ vũ hiện tượng nhân danh, nhân quyền để hoạt động bất chấp luật pháp, bảo vệ một số người bị tuyên án tù vì có hành vi phạm pháp, vu cáo chính quyền đàn áp, hướng dẫn cách thức tổ chức chống phá và thủ đoạn đối phó cơ quan chức năng khi bị phát hiện,… rồi lén lút lưu truyền trong xã hội là một trong các thủ đoạn thâm độc hết sức quen thuộc mà các thế lực thù địch sử dụng để tiến công, lũng đoạn đời sống tinh thần ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước đây. “Samizdat” là thuật ngữ đã khái quát cụ thể về thủ đoạn thâm độc này và được định nghĩa “là một hình thức chống đối cơ bản trong khối phía Đông mà theo đó các cá nhân sao chép các ấn bản bị kiểm duyệt một cách thủ công, truyền tay các tài liệu đến người đọc”. Tuy nhiên ngày nay, với sự hỗ trợ của kỹ thuật hiện đại, những người đang cố tình reo rắc samizdat ở Việt Nam không phải chép tay nữa, mà vụng trộm chế bản và in ấn hàng loạt, rồi vừa lén lút truyền bá trong xã hội, vừa ngang nhiên rao bán trên một số trang thương mại điện tử.

Để biện hộ đồng thời để lừa bịp một số công chúng nhẹ dạ, thiếu thông tin, hoặc hiểu biết, những kẻ nói trên đã trắng trợn bịa ra cái gọi “quyền tự do xuất bản” rồi dựa vào đó để thực hiện mưu đồ xấu, khi bị cơ quan chức năng xử lý thì la lối chính quyền “vi phạm quyền công dân”! Vì thế những ai tin theo họ hoặc còn mơ hồ về điều này cần nhận thức rằng Chương II về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (năm 2013) không có quy định về “quyền tự do xuất bản” và Điều 12 Luật Xuất bản (sửa đổi, bổ sung năm 2012) xác định đối tượng thành lập nhà xuất bản là “a. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cấp tỉnh; b. Đơn vị sự nghiệp công lập ở trung ương, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở trung ương trực tiếp sáng tạo tác phẩm và tài liệu khoa học, học thuật”. Và Điều 13 quy định để thành lập nhà xuất bản phải bảo đảm những điều kiện cụ thể về tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ; trụ sở, nguồn tài chính và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm hoạt động của nhà xuất bản do Chính phủ quy định… Như vậy “xuất bản tự do” là vi phạm pháp luật, không thể dung túng và phải bị xử lý theo pháp luật.