“Ân xá quốc tế” nên trở thành một tổ chức tử tế

Ngày 10-12-2020, BBC, VOA,… và nhiều trang mạng khác cùng lúc công bố các bài báo có tiêu đề như “YouTube cấm các video về cáo buộc gian lận bầu cử Mỹ”, “YouTube sẽ gỡ bỏ những video xuyên tạc về bầu cử Mỹ”…

Theo các bài này thì kể từ tháng 9 đến đầu tháng 12-2020, tức là chỉ trong ba tháng, YouTube “đã gỡ bỏ hơn 8.000 kênh và hàng nghìn video liên hệ đến việc xuyên tạc cuộc bầu cử vì vi phạm những chính sách hiện hành của họ”, vì “các video liên quan đến bầu cử có hại và gây hiểu lầm, vi phạm các chính sách hiện có của chúng tôi”. Cũng theo các bài báo, “Tháng trước, một nhóm các thượng nghị sĩ Dân chủ yêu cầu YouTube cam kết gỡ bỏ những nội dung chứa đựng tin tức sai lạc hay xuyên tạc về kết quả cuộc bầu cử 2020 và cuộc bầu cử Thượng viện vòng hai sắp tới tại Georgia”, “Đảng Dân chủ lên án YouTube vì không nỗ lực đủ để loại bỏ tin tức giả, các thuyết âm mưu trên nền tảng này”… Qua đó có thể nói việc YouTube gỡ bỏ hơn 8.000 kênh và hàng nghìn video không chỉ vì các kênh, video này đã vi phạm chính sách của YouTube mà còn vì áp lực của một đảng chính trị tại Mỹ. Và cũng phải kể đến sự việc tháng 6-2020, Facebook đã xóa hơn 500 tài khoản Facebook, hơn 300 tài khoản Instagram vì tình nghi lợi dụng biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ để kích động hận thù.

Cũng trong ngày 10-12-2020, RFA đăng bài “Facebook chặn 834 nội dung ở Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2020 theo yêu cầu của Chính phủ”, theo đó thì Facebook mới công bố Báo cáo Minh bạch, trong đó cho biết “từ tháng 1 đến tháng 6-2020, hãng này đã chặn 834 hạng mục ở Việt Nam theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và của Bộ Công an” vì các nội dung này “đã vi phạm Nghị định 72 vì chống Đảng, Chính phủ, đưa tin sai về đại dịch Covid-19, quảng bá đánh bạc trực tuyến vi phạm pháp luật, quảng cáo và bán hàng trái pháp luật, giả mạo thông tin cá nhân”. Căn cứ vào nội dung sẽ thấy việc cơ quan chức năng của Việt Nam đưa ra yêu cầu với Facebook là rất chính đáng, vừa bảo đảm tuân thủ pháp luật Việt Nam, vừa bảo vệ người sử dụng Facebook. Đó cũng là điều mà mọi chính phủ trong thế giới văn minh đều nỗ lực thực hiện nhằm giữ gìn, bảo đảm sự ổn định xã hội và giúp người dân giao lưu thân thiện, được tiếp xúc thông tin lành mạnh. Nên thật lố bịch khi mới đây, dựa trên các thông tin như vậy, cái gọi là “Ân xá quốc tế” (AI) lại xưng xưng cáo buộc YouTube, Facebook “đồng lõa với Chính phủ Việt Nam nhằm kiểm duyệt các nội dung được cho là chỉ trích chính phủ. Điều này góp phần giúp Chính phủ Việt Nam gia tăng việc bắt bớ, bỏ tù người có tiếng nói ôn hòa trên mạng”!

Phát ngôn mang tính vu cáo và bịa đặt trắng trợn kể trên của AI không có gì mới, cũng chẳng có gì lạ. Vì tổ chức này chưa bao giờ có thiện chí với Việt Nam. Với thiên kiến hẹp hòi, thái độ bất chấp sự thật, nhiều năm nay hễ đề cập tới Việt Nam là AI lại “lên án, cáo buộc”, “yêu cầu” Việt Nam làm theo ý muốn của họ, rồi bao biện, bảo vệ một số người được AI cố tình gán cho nhãn hiệu “tù nhân lương tâm, hoạt động ôn hòa”,… mà thực chất là số người có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Chưa kể, bằng việc làm này đã cho thấy AI không hề coi trọng việc thực thi pháp luật là yêu cầu tối thượng của mọi quốc gia, mà lợi dụng việc này để xâm phạm vào công việc nội bộ của các quốc gia.