Xử lý thông tin

Thời gian qua, nhiều vụ việc, sự việc được đưa ra ánh sáng, hoặc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, triển khai hợp lý hơn, một phần nhờ tiếng nói dư luận. Những tâm tư, nguyện vọng hay cả bức xúc, kiến nghị của người dân đã nhanh chóng được báo chí ghi nhận, phản ánh, được chia sẻ qua mạng xã hội, qua những cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa người dân với cơ quan chức năng.

Điều đó cho thấy sự tham gia nhiều hơn và tích cực của ý kiến, thái độ và mong muốn của quần chúng trong công tác quản lý, vận hành và triển khai ở nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Thực tế này vừa phản ánh những chuyển biến trong đời sống xã hội, khi người dân ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm và hiệu quả trong tiếng nói, cách thức lên tiếng của mình, nhằm góp ý, chỉnh sửa những hạn chế, tiêu cực nảy sinh trong đời sống. Đồng thời góp phần chấn chỉnh, cải thiện một số vấn đề còn bất cập để công tác quản lý, điều hành xã hội ngày càng tốt đẹp, văn minh, bảo đảm luật pháp hơn.

Mặt khác, phần nào cũng cho thấy những bất cập trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của một số ban, ngành chức năng, ở các địa phương, cơ sở. Nhiều khi, dư luận dấy lên mới biết đến vụ việc, hiện tượng xảy ra. Thậm chí, khi dư luận ồn ào lên tiếng, mới nhập cuộc tích cực hơn, hoặc có những động thái xử lý hợp lý hơn.

Vấn đề đặt ra thêm là, cần cải tiến các đầu mối, hệ thống tiếp nhận thông tin của các cơ quan chức năng để nhanh nhạy, kịp thời và nhiệt tình hơn trong đón nhận, xử lý thông tin mà quần chúng nhân dân cung cấp, qua số điện thoại nóng, qua đơn thư, qua gặp gỡ trực tiếp… Đồng thời, cần mở rộng, linh hoạt trong phương thức nắm bắt, tìm hiểu, khảo sát khi các thông tin, vấn đề trong dư luận khi xuất hiện trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội, thậm chí qua trò chuyện, giao tiếp trong đời sống cộng đồng…

Kịp thời nắm bắt, tiếp xúc, lắng nghe dư luận và đồng hành cùng giải quyết các vấn đề, sẽ đạt được nhiều hiệu quả hơn trong công tác quản lý, điều hành các hoạt động xã hội. Quan trọng hơn, sẽ nhanh chóng nắm bắt vấn đề người dân, dư luận chú ý, quan tâm, từ đó có giải pháp góp phần xử lý, góp ý, định hướng kịp thời, tránh những thông tin, quan điểm trong dư luận đi đến mức độ quá khích, cực đoan, thậm chí có thể trái quy định pháp luật.

Không xử lý thông tin, dư luận kịp thời, sẽ là sự chậm trễ, thụt lùi trước thực tế đời sống. Và điều này nhiều nguy cơ sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho công tác quản lý xã hội, cho cuộc sống, cho chính những luồng dư luận nhiều chiều, có tích cực, nhưng cũng có tiêu cực hiện nay.