Xử lý nghiêm hành vi gian lận thương mại

Gần đây, hàng loạt vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng rởm liên tục bị cơ quan chức năng phát hiện. “Có địa phương bắt hàng nghìn vụ nhưng không khởi tố vụ án, khởi tố bị can nào, gây bức xúc trong dư luận.

Trong khi đó, vẫn còn tình trạng “cát cứ” địa bàn, lợi ích, thành tích, vùng miền, lực lượng trong công tác phòng, chống buôn lậu” - nhận định của Cục phó Cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03) tại cuộc họp bàn về khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra ngày 17-7 vừa qua tại Đà Nẵng cho thấy cơ quan chức năng đang gặp khó bởi chính những người được coi là “cùng chiến tuyến”. 

Phải nhớ rằng nhận định: “về tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đang diễn biến phức tạp. Trong khi  quy chế phối hợp giữa các lực lượng, đơn vị chức năng địa phương trong công tác phòng, chống còn hạn chế. Sự chồng chéo về phân công, phân cấp, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền xử lý, không phân rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu dẫn đến buông lỏng quản lý” vốn được coi là những điều căn bản và… quen thuộc trong nhiều bản báo cáo gần đây.

Những nhận định ở trên có thể coi như một mô thức bất biến mỗi khi đề cập đến lĩnh vực này trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây. Câu chuyện lặp đi lặp lại về tình trạng “cát cứ” của các lực lượng chức năng địa phương mỗi khi địa bàn mà họ quản lý xảy ra sự vụ dường như là điều nan giải nhất đối với các lực lượng cấp trên mỗi khi cần phối hợp.

Có lẽ những người công tác tại các cơ quan chịu trách nhiệm chính cho lĩnh vực này vẫn chưa quên vụ buôn lậu diễn ra tại Hang Dơi, Dốc Quýt, Lạng Sơn hồi năm 2005 đã khiến cho nhiều cán bộ hải quan vướng vòng lao lý. Vụ buôn lậu thuốc lá ở Lào Cai năm 2008 đã khiến cho hàng chục người, trong đó có cả những cán bộ cao cấp bị liên đới trách nhiệm, thậm chí có người phải ngồi tù vì sai phạm liên quan. 

Như vậy, việc hạn chế buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại… chưa hẳn là khó nếu như các cơ quan này quyết tâm làm. Mà phải làm chặt chẽ và nghiêm túc. Bởi chính các cơ quan cấp trên về lĩnh vực này như Bộ Công thương, Bộ Công an hay Ban Chỉ đạo 389… vốn có sẵn trong tay chế tài để xử lý những hiện tượng vừa nêu, đương nhiên phải xử lý được những việc đáng ra phải coi là chuyện nội bộ. Từ đó, mới mong giải quyết được những vấn đề nổi cộm trong xã hội thuộc thẩm quyền mà họ được giao.