Việc cần làm ngay

Chuyện những người thuộc diện cận nghèo ở xứ Thanh, hay Nghệ An, Hà Tĩnh viết đơn từ chối không nhận hỗ trợ thuộc gói 62 nghìn tỷ đồng đã khiến dư luận ồn ào, cơ quan chức năng vào cuộc.

Qua đó thấy rằng, bên cạnh một số cá nhân lợi dụng mối quan hệ đặc biệt với người có trách nhiệm để trục lợi, cần được lên án và xử lý nghiêm, thì việc những hộ dân nằm trong diện cận nghèo mà không thật sự nghèo ấy viết đơn từ chối một khoản tiền quý báu trong lúc khó khăn là điều đáng hoan nghênh.

Nói là đáng hoan nghênh, bởi hơn ai hết, chính những người dân nằm trong danh sách được nhận tiền hỗ trợ biết rõ rằng mình có xứng đáng là đối tượng được hỗ trợ hay không. Và dù biết rõ tên mình có trong danh sách, nhưng cũng chính họ, biết rằng nếu vẫn nhận tiền hỗ trợ là không đúng, đã dũng cảm từ chối nhận khoản tiền vốn không thuộc về mình. Từ những lá đơn này, chính quyền các cấp đã có những hành động cụ thể để đưa chính sách vào cuộc sống một cách thực tế hơn, xác định những đối tượng được ưu tiên, hỗ trợ một cách chính xác.

Cũng không thể hoàn toàn khẳng định rằng việc các cấp chính quyền có “tác động” đối với những hộ cận nghèo mà không thật sự cận nghèo để họ từ chối nhận hỗ trợ là điều đáng lên án. Mà phần nào cũng cần thông cảm rằng, chính họ, dù bằng nhiều lý do khác nhau để lập một danh sách các hộ nghèo và cận nghèo chưa chuẩn, khi đối diện một việc làm không đúng đã tìm cách để sửa sai. Biết sai mà không sửa, sai phạm sẽ chồng sai phạm. Khi ấy, trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở càng thêm nặng nề.

Bởi nếu đã xác định sai đối tượng, mà còn tiếp tục chuyển số tiền hỗ trợ trong gói 62 nghìn tỷ đồng đến đối tượng ấy, sẽ là sai phạm chồng lên sai phạm.

Bởi phương châm “lá lành đùm lá rách”, mới có chuyện người nghèo nhường nhau cái “suất” cận nghèo để có thể tiếp cận ưu đãi chính sách. Cũng bởi hiểu thực tế nhu cầu mỗi hộ, mới có việc một số cán bộ xác định “nhầm” đối tượng đối với các hộ cận nghèo. Đây là việc phổ biến ở một số tỉnh, thành chứ không chỉ là việc riêng xảy ra ở Thanh Hóa hay Nghệ An, Hà Tĩnh. Việc từ chối nhận hỗ trợ, xác định lại đối tượng trong diện được trợ cấp là đúng đắn, nên làm và cần làm ngay.

Nhớ rằng, đối với sai phạm, cần phải xử lý dứt điểm chứ không thể xuê xoa cho xong. Nên song song việc đưa các hộ không thật sự cần được hỗ trợ về chính sách ra khỏi danh sách cũng cần nhanh chóng bổ sung những đối tượng thật sự nghèo vào diện hỗ trợ. Đó là điều mà các cấp chính quyền cần làm trong lúc này. Đó là chưa kể, thay chỉ vì cứ loay hoay hỏi xem vì sao người ta lại từ chối nhận tiền hỗ trợ, thì nên tìm đúng đối tượng để mà hỗ trợ cho kịp thời. Bởi càng lúc khó khăn, đưa được đồng tiền tới giúp mỗi người dân nhanh và đúng lúc, đúng thời điểm, bao giờ cũng quý.