Vẻ đẹp mong manh

Hội An (Quảng Nam) mới được bình chọn trên một tạp chí du lịch của Mỹ, là một trong 10 thành phố chiếm được nhiều tình yêu nhất của du khách trên thế giới. Mới đây, hình ảnh chùa Cầu trong lễ hội đèn lồng của Hội An đã lần đầu được lựa chọn là biểu tượng trên trang chủ trên bộ công cụ tìm kiếm của Google.

Đây là những thông tin thú vị, tự hào với mỗi người dân sở tại và đông đảo người dân Việt. Tuy nhiên cũng mới đây truyền hình, báo chí phản ánh tình trạng thiếu nước ở Hội An do nguồn nước bị nhiễm mặn, gây ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống người dân và hoạt động du lịch.

Tam Đảo được ví như Sa Pa của Vĩnh Phúc với khí hậu mát mẻ trên cao, là nơi nghỉ dưỡng, du lịch lý tưởng. Nhưng chẳng đợi đến bây giờ, những năm qua Tam Đảo đã chen chúc, ngột ngạt, mất dần đi nét đẹp lý tưởng ấy.

Và chính Sa Pa (Lào Cai) cũng đổi khác đến nỗi gây bất ngờ, bàng hoàng với nhiều người trở lại, bởi sự quá tải của hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, nhà dân được xây dựng kiên cố, đồ sộ, đang làm biến dạng nặng nề về cảnh quan, không gian xanh nơi đây.

Tương tự như thế, Đà Lạt (Lâm Đồng) - xứ thông “mộng mơ” được đánh giá là đang nóng lên bởi nhà kính, bởi mất đi những thảm xanh và tăng mật độ dân cư, xây dựng.

Địa danh lớn lao khác - Hà Nội, thành phố Vì hòa bình vừa kỷ niệm 20 năm được UNESCO tôn vinh danh hiệu ý nghĩa, cũng đang phải đối mặt với sự quá tải người, phương tiện giao thông, chung cư trong khu vực nội thành, cùng với ô nhiễm, ùn tắc, sự ảnh hưởng sức khỏe người dân.

Nhiều nữa, những địa danh quan trọng, những chốn danh thắng nổi tiếng, tiềm tàng giá trị văn hóa, xã hội, du lịch…, được ngợi ca, tôn vinh bao lâu nay, cũng đang phải xoay xở, đối mặt với không ít thử thách đến từ ảnh hưởng của biến đổi thời tiết, khí hậu, biến đổi địa hình, thảm thực vật, mặt nước, dòng chảy…, từ những tác động tiêu cực của con người trong khai thác, sản xuất, sinh hoạt. Tình trạng suy giảm, biến đổi và những hậu quả đã nhìn thấy xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Ngay trong những tháng năm này, nhiều địa bàn nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc, đang đứng trước những nguy cơ bị phá vỡ không gian cư trú, phải thay đổi, điều chỉnh tập quán sống do mối đe dọa của sạt lở, nước lũ.

Những vẻ đẹp lớn, được hội tụ từ vận động thiên tạo, sự phát triển tự nhiên và bao thế hệ người vun đắp. Nhưng chúng đang dần trở nên mong manh, đang chật vật trong đời sống hiện đại, đang đối mặt nhiều nguy cơ trong việc bảo vệ các giá trị trăm nghìn năm mới có của mình.

Có nhiều lý do để giật mình khi vài chục năm hay vài đời người, nếu chỉ vì lợi ích ngắn hạn hoặc thiếu hiểu biết, nếu thiếu mục đích nhân văn, thiếu sự tôn trọng thiên nhiên, văn hóa, và thiếu những hành động ứng cứu kịp thời, thì sẽ làm giảm đi, mất đi sự kỳ vĩ, kỳ diệu mà không gian sống của con người đã được ban tặng.