Trên đà căn chỉnh giáo dục

Tiếp bước một khởi đầu năm học mới, những điều chỉnh mới trong dạy và học của ngành giáo dục đang nhận được mối quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến đa chiều. Đó là quy định mới về điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên và kiểm tra đánh giá định kỳ.

Đáng chú ý, theo đó, sẽ không còn điểm kiểm tra một tiết, sẽ giảm đáng kể số đầu điểm kiểm tra các môn học. Nhưng cùng với đó là đa dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá qua hỏi đáp, viết, thuyết trình, thực hành… Đó còn là quy định khi giáo viên thấy thật sự cần thiết và cho phép học sinh (HS) cấp THCS và THPT có thể được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ việc học tập…

Sẽ còn đón nhận những phản biện ở nhiều mức độ của các chuyên gia giáo dục, tâm lý, văn hóa và ý kiến phụ huynh, xã hội nói chung. Nhưng có thể thấy, những điều chỉnh trên được đưa ra nhằm đề cao hơn trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo trong việc nắm bắt, bám sát tình hình học tập của các em HS. Cùng với đó là đòi hỏi nâng cao sự tương tác giữa giáo viên và HS. Cũng như, nâng cao tính chủ động, tự giác của HS trong việc khai thác thông tin, tư liệu bổ trợ cho việc học tập.

Tuy nhiên có một điều không thể không chú trọng và rất dễ có khả năng xảy ra. Đó là quá trình triển khai những quy định mới, chắc chắn sẽ có những lúng túng, kể cả vấp váp. Bởi theo các quy định mới, thì yêu cầu giám sát rất lớn sẽ thêm nặng trên vai giáo viên. Mà như thường nói “ai cũng là con người”, mỗi thầy giáo, cô giáo không dễ căng mình ra bao quát rất nhiều HS và việc học hành, rèn luyện của từng em nếu như không có các phương pháp nâng cao kỹ năng, trình độ cho chính những người đứng lớp, thậm chí cả cách “nuôi” ngọn lửa tâm huyết với nghề. 

Rất nên, trên đà điều chỉnh, sửa đổi, ngành giáo dục cần kịp thời có những bước khảo sát từ thực tiễn, thông qua đề xuất của giáo viên, nguyện vọng của HS, kiến nghị của phụ huynh, dư luận xã hội… Thí dụ như, đưa môn bơi vào chương trình học; quy định rõ ràng về danh mục sách giáo khoa (SGK) theo yêu cầu cho chương trình học nhằm chống tình trạng nhiễu loạn sách vở, sách tham khảo; sửa chữa, thay đổi không ít lỗi sai, thiếu sót và cả một số nội dung chưa phù hợp trong SGK hiện nay; nâng cao trách nhiệm ngành giáo dục các địa phương trong việc chọn SGK và hỗ trợ phụ huynh, HS mua đúng, mua đủ SGK; giám sát và xử lý chặt chẽ, kiên quyết hơn đối với tình trạng học thêm núp danh “học tự nguyện” vẫn phổ biến và gây khó xử, bức xúc cho nhiều phụ huynh, mệt mỏi cho HS hiện nay; cũng như chú trọng kiểm tra, rà soát để kịp thời sửa chữa, gia cố đối với các cơ sở vật chất xuống cấp, hỏng hóc nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc...