Tiếp tay cho thiên tai?

Những ngày vật lộn với bão lũ, đau thương vì mưa lũ, dường như ai nấy đều tự nhủ và bảo nhau, hãy tập trung hành động và bàn chuyện cứu giúp, hỗ trợ đồng bào; động viên nhau kiên cường, nhiệt huyết và gắng sức cứu nạn, cứu hộ, tiếp tục phòng và chống chọi thiên tai.

Khi mọi thứ tạm chùng lại giữa các đợt tiến công cấp tập của bão, mưa, lũ ống, lũ quét, lụt lội - cho dù thực tế việc khắc phục và từng bước hồi lại nhịp sống vẫn còn căng lắm - thì thường là thời điểm phù hợp cho những nội dung rút kinh nghiệm, rút ra bài học và đề xuất những kế hoạch phục hồi trước mắt, lâu dài.

Có quá nhiều điều phải nhìn lại và đang đặt ra những câu hỏi liên quan đến việc tuyên truyền phòng, chống bão lũ trong dân; việc hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ giữa các lực lượng, các địa phương; việc tổ chức tiếp nhận, điều phối các nguồn lực xã hội hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại; đồng thời cung cấp thông tin cần thiết và kịp thời cho xã hội đang quan tâm từng ngày, từng giờ đến vùng thiên tai…

Rất to lớn và không bao giờ cũ, không được xao nhãng, là việc tiếp tục phân tích thấu đáo những lý do xảy ra thiên tai với mức độ tàn phá mỗi năm càng thêm dữ dội. Đặc điểm thời tiết, khí hậu khu vực miền trung, khu vực Biển Đông với những đợt thiên tai có tính lịch sử; sự biến đổi khí hậu toàn cầu và khu vực càng tăng thêm tính cực đoan của thời tiết và mức độ dữ dội của các đợt tiến công nắng nóng, bão, giông… Đó là những lý do khách quan từ thiên nhiên, từ bên ngoài tác động. Nhưng những lý do nào từ phía con người? - Cụ thể là từ cộng đồng dân cư địa phương, từ các hệ thống vận hành trên địa bàn, đã góp phần dẫn đến - thậm chí là “tiếp tay” cho sự tàn phá càng thêm khốc liệt của bão, lũ.

Đã rất nhiều hồi chuông gióng lên về nạn phá rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, dẫn đến tình trạng đồi trống, núi trọc, làm giảm đi khả năng giữ nước, ngăn lũ của khu vực rừng núi, tăng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở, dẫn đến nhiều thảm trạng cho cộng đồng. Đã có những cảnh báo về sự ô nhiễm, thu hẹp dòng chảy, “nông hóa” đáy các dòng sông, cộng với cả mật độ xây dựng tăng cao cùng những bất cập của công tác quy hoạch đô thị, của hệ thống thoát nước khiến lũ thêm dâng cao, chậm thoát. Có cả những nhận định một cách đáng tiếc về sự chậm chạp của công tác phổ cập xây dựng nhà chống lũ trong cộng đồng các địa phương thường gánh chịu thiên tai. Và đương nhiên, không thể không xuất hiện những ý kiến liên quan đến các nhà máy thủy điện trong khu vực như một trong những tác nhân gây ảnh hưởng đến rừng đầu nguồn, địa hình, dòng chảy, lưu lượng nước những dòng sông… 

Tìm, phân tích, lý giải, chỉ ra một cách thẳng thắn, mạnh mẽ, khoa học và chặt chẽ, thuyết phục những vấn đề, những nghi vấn trên, chính là cơ sở đầy đủ, vững chắc cho việc hoạch định những chính sách, cơ chế thay đổi, cải tiến trong phòng, chống thiên tai, đồng thời đặt ra yêu cầu mạnh mẽ để kiên trì, kiên quyết thực hiện sự thay đổi đó, dù phải mất thời gian dài. Trên nền tảng luật pháp cùng sự nghiêm minh của việc đánh giá liên quan đến trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên; tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai từ xa như trồng rừng, quy hoạch đô thị, phát triển kiến trúc phù hợp…, mà cả cộng đồng, xã hội cũng như mọi cá nhân và hệ thống, đơn vị, tổ chức đều có trách nhiệm phải tuân thủ.