Thách thức của thời cuộc

Chính trong những tháng năm này, bản lĩnh người làm báo càng cần được hun đúc, khẳng định. Khi mà tiếng nói báo chí đứng trước nhiều thách thức của thời cuộc.

Sự phát triển vũ bão của mạng xã hội khiến thông tin, hình ảnh, ý kiến được truyền tải tức thời, lan tỏa rộng rãi. Từ đó tạo nên sức cạnh tranh khốc liệt với hoạt động báo chí trong việc truyền tải thông tin phục vụ người dân. Sôi nổi trong sự lan tỏa rộng khắp đó, còn là sự đa dạng, trái chiều của các quan điểm, lập luận, không ít những suy nghĩ cực đoan, những thông tin giả, bịa đặt, những ý đồ xấu gây ảnh hưởng đến đất nước, xã hội, tác động tiêu cực vào nhận thức và tâm lý, thái độ người dân.

Thực tế đời sống còn đặt ra nhiều cách nhìn, cách nghĩ, cách ứng xử đối với hoạt động báo chí, đội ngũ làm báo. Đặc biệt khi, trộn lẫn, ẩn khuất và cả ngang nhiên trong đời sống báo chí còn không ít những dấu hiệu phức tạp về đạo đức nghề nghiệp, những hành vi, động cơ tiêu cực, vi phạm pháp luật. Hoạt động tác nghiệp báo chí có nhiều trường hợp bị đề phòng, bị lảng tránh, bị đe dọa, người làm báo bị tiến công, gây tổn hại không nhỏ về sức khỏe, danh dự, thậm chí cả tinh thần làm báo.

Và nữa, khi mà hoạt động báo chí cũng có những lúc bị lợi dụng để thực hiện những mưu đồ xấu, mục đích tiêu cực, của cả những người lợi dụng báo chí, lẫn một bộ phận người làm báo, thì nghề báo, vốn được đánh giá cao trong xã hội, càng trở nên một lĩnh vực được người dân và các cơ quan chức năng quan tâm, đưa ra bàn luận, góp ý, có thể động viên, có thể phê phán, thậm chí suy giảm lòng tin.

Còn phải nói đến sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa chính các cơ quan báo chí đông đảo, giữa các đồng nghiệp báo chí, để tồn tại, phát triển, phát huy vai trò cống hiến cho xã hội và bảo đảm sự ổn định, vững vàng chính đáng cho người làm báo. Cuộc cạnh tranh đó ngày càng thêm khắc nghiệt.

Vô vàn những thách thức đặt ra trước mặt, và cả từ bên trong người làm báo, trên hành trình giữ gìn nhân cách, đạo đức; bảo vệ ngòi bút; phát huy tinh thần xây dựng, đồng hành cùng những điều tốt đẹp; góp ý, phản biện với những gì khuyết thiếu, chưa hoàn chỉnh; đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, suy thoái trong xã hội.

Thực hiện tốt nhiệm vụ mà nhân dân mong đợi, nghề nghiệp quy định, đòi hỏi, lịch sử tôn vinh và tự bản thân gánh vác, người làm báo thực sự bước vào cuộc chiến đấu. Một cuộc chiến vượt qua cám dỗ, trở ngại, vượt lên sự yếu lòng, hướng tới những mục đích và giá trị tốt đẹp mà công cuộc phát triển, hội nhập, xây dựng đất nước, con người, phát huy nội lực dân tộc đang đặt ra.

Cuộc chiến mà người làm báo chân chính có chỗ dựa từ chính quyền, hệ thống pháp luật, sự đồng hành, bảo vệ của đơn vị, đồng nghiệp, hội nghề nghiệp…, nhưng cũng từ sự tự vấn không ngừng với chính bản thân.