Siết chặt quản lý bán hàng qua mạng

Dịch vụ bán hàng online thông qua mạng xã hội đã phát triển vài năm gần đây và đặc biệt có “cơ hội phát triển” trong giai đoạn người dân thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế gặp gỡ và giao tiếp ngoài xã hội do nguy cơ lây nhiễm và yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 như trong năm 2020 này.

Không thể phủ nhận sự tiện lợi, song hình thức mua bán hàng hóa qua mạng phát triển cũng đem đến một số nguy cơ mà người tiêu dùng phải đối mặt. Những mối đe dọa về chất lượng sản phẩm không như quảng cáo và khả năng trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo đã khiến nhiều người lâm cảnh tiền mất tật mang.

Chỉ cách đây vài năm, hàng triệu tài khoản rao bán hàng trên mạng đã khiến cho nhiều cơ sở bán hàng trực tiếp bị mất đi lượng khách hàng không nhỏ. Thay vì phải đi ra phố, lựa chọn những món đồ cần thiết, không chỉ các tín đồ mua sắm mà những vị khách vốn phải chôn chân nhiều giờ đồng hồ trong các văn phòng, công sở chỉ cần sử dụng một vài thao tác qua những chiếc điện thoại thông minh là đã có thể có ngay thứ đồ mình cần thông qua hệ thống bán hàng online và sự hỗ trợ của những shiper (người giao hàng) luôn sẵn sàng phục vụ.

Sự đa dạng, phong phú, nhanh nhạy và tiện lợi của việc mua sắm qua mạng internet là điều kiện quá thuận lợi để loại hình kinh doanh này phát triển. Tuy nhiên, nó cũng là môi trường để kẻ xấu tranh thủ lừa đảo kiếm lời. Thử tìm một vài thông tin về những mặt hàng được rao bán trên mạng, bạn có thể lạc vào hằng hà sa số những lời quảng cáo “ngọt như mật” về sản phẩm mà số tiền bạn phải thanh toán có khi chỉ bằng 1/10 giá cả thực tế sản phẩm chính hãng đang được nhà sản xuất rao bán công khai. 

Đã có nhiều lời phàn nàn về chất lượng các sản phẩm được người ta rao bán trên mạng và các ứng dụng bán hàng (app), kể cả của những đơn vị cung cấp được coi là có uy tín. Đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi khi chấp nhận mua sản phẩm qua mạng, điều đầu tiên mà người mua hàng phải thực hiện là thanh toán toàn bộ số tiền cho một thứ mà mình chưa nhìn thấy. Họ cũng chẳng thể lấy lại được tiền nếu như người vận chuyển đem tới bàn giao một món hàng không vừa ý.

Ở thị trường truyền thống, mỗi hệ thống bán hàng đều phải hết sức chú ý tới các dịch vụ hậu mãi. Mỗi sản phẩm mà các đơn vị này cung cấp ra đều được bảo hành với những điều kiện cụ thể, chính xác. Việc bán ra một sản phẩm lỗi sẽ khiến cho những đơn vị bán hàng mất uy tín, mất đi khách hàng quen thuộc. Bởi vậy, trách nhiệm đối với người sử dụng hàng hóa của họ đương nhiên bao giờ cũng được đề cao.

Nói như vậy không có nghĩa những sản phẩm được rao bán trên mạng luôn kém chất lượng. Nhưng nếu các cơ quan chức năng không nhanh chóng tạo lập một hành lang pháp lý đủ hiệu quả để quản lý về chất lượng sản phẩm thì người tiêu dùng sẽ đối diện với nhiều nguy cơ. Và như thế, cơ quan chức năng đã vô tình tạo kẽ hở, thậm chí buông lỏng, đánh mất trách nhiệm, vai trò quản lý nhà nước đối với một loại hình kinh doanh đang ngày một phát triển.