Quyết liệt với trật tự xây dựng

Đi trên đường phố bỏng rẫy bởi hơi nóng của nhà kính, của điều hòa nhiệt độ tại Hà Nội, thỉnh thoảng thấy có người mặc áo mà phía sau lưng in những dòng chữ phản đối sai phạm ở một số chung cư. Rồi một số cư dân còn treo băng-rôn ở lan-can căn hộ mình ở phản đối sai phạm của chủ đầu tư.

Trông từ xa, những tấm băng-rôn treo ở các chung cư ấy chẳng khác nào những vết nhọ trên mặt làm xấu xí hẳn khung cảnh bên ngoài tòa nhà trang trí khá bắt mắt mà thông thường nếu thay vào đó bằng những chậu hoa treo sẽ khiến hình ảnh trở nên đẹp thêm bao nhiêu.

Xuất phát từ nhu cầu bức thiết về chỗ ở, Hà Nội ngày một xuất hiện thêm nhiều khu đô thị mới, nhiều tòa nhà cao tầng tiếp tục mọc lên, thậm chí cả ở những chỗ không được tiếp tục xây dựng. Ai cũng biết rằng, để thực hiện một dự án xây dựng, nhất là đối với các tòa nhà chung cư, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phải đáp ứng những điều kiện khắt khe và cụ thể từ phía chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước. Từ lập bản đồ quy hoạch, quy hoạch chi tiết, xin cấp các loại giấy phép xây dựng, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của cơ quan chức năng về an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy cho tới những yêu cầu cụ thể về diện tích được phép xây dựng, số lượng căn hộ trong mỗi tòa nhà…

Ngoại trừ số ít các đơn vị xây dựng có uy tín và thương hiệu làm ăn bài bản, phần lớn mâu thuẫn của nhà đầu tư với chủ đầu tư thời gian qua đều xuất phát từ những điều tưởng như đã được ràng buộc rõ ràng bằng các quy định pháp luật. Từ chuyện xây dựng quá số tầng được cấp phép, quá mật độ cho phép (dù rằng đã được thể hiện trong giấy phép), ăn bớt diện tích nhà ở đã bán, thu hẹp diện tích hành lang của tòa nhà cho tới việc chiếm dụng vốn, chiếm dụng diện tích sử dụng chung, chiếm dụng tiền quỹ bảo trì của các chủ căn hộ… tất tật người ta đều thấy rằng sai phạm là do chủ đầu tư.

Việc để xảy ra những mâu thuẫn lợi ích ấy phải có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu quyết tâm, quyết liệt ngay từ quá trình kiểm tra, giám sát thì người ta đã không phải băn khoăn mãi về một số 8 Lê Trực với sai phạm kéo dài nhiều năm trời. Nếu không buông lỏng quản lý, đã không có những doanh nghiệp xây dựng lớn bị khởi tố, dù rằng không thể phủ nhận những điều các đơn vị này đã làm được trong quá trình cải thiện diện mạo của Thủ đô. Thực hiện đúng vai trò của mình, mỗi cán bộ quản lý về xây dựng sẽ không bao giờ phải chứng kiến những cư dân trên địa bàn của mình phải căng băng-rôn đòi quyền lợi ngay tại nơi họ và gia đình đang cư ngụ.

Những sai phạm kiểu sai rồi lại sửa, mà chỉ là sửa hồ sơ cấp phép ban đầu đang được các công ty xây dựng coi là “cơ hội” làm ăn. Sai, rồi xin khắc phục, đóng phạt xong rồi xin chuyển đổi hồ sơ là một “chiêu thức” thường được áp dụng. Như vậy, việc đồng ý cho đơn vị tiến hành xây dựng được phép “hợp thức hóa sai phạm” cũng phải được coi là đồng lõa với sai phạm đó.

Sai phạm về xây dựng đã quá rõ ràng khi chúng ta đang phải giải quyết, xử lý những hậu quả của những hành vi thiếu trách nhiệm của các cán bộ thực thi nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng gây ra. Chính vì thế, vấn đề đặt ra hiện nay là cần làm quyết liệt, cương quyết để không cho phép những hành vi sai trái có cơ hội tái diễn.