Quan trọng là chất lượng

Sự kiện chuỗi cửa hàng Món Huế bị đóng cửa và bị các nhà đầu tư kiện ra tòa án TP Hồ Chí Minh mới đây đã khiến nhiều người quan tâm. Bởi sự sụp đổ của hệ thống này cũng nhanh chóng như khi chuỗi nhà hàng này được đánh giá là có bước phát triển thần tốc từ nam chí bắc.

Thông tin ban đầu cho biết, nhóm nhà đầu tư đã tiến hành các thủ tục ban đầu để khởi kiện Chủ tịch Công ty Huy Việt Nam là ông Huy Nhật ra tòa. Tổng số tiền mà các nhà đầu tư rót vào công ty này được cho là lên tới 70 triệu USD (khoảng hơn 1.600 tỷ đồng).

Nhóm nhà đầu tư vào Công ty Huy Việt Nam đã đầu tư 70 triệu USD vào công ty từ năm 2013. Đó là quỹ ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital. Các nhà đầu tư đều cho biết khi kêu gọi đầu tư, ông chủ Huy Nhật đều cung cấp báo cáo tài chính “đẹp như mơ” về sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Tin tưởng rót tiền đầu tư và cuối cùng thất bại thảm hại. Nhóm nhà đầu tư buộc phải tiến hành khởi kiện. Đối tượng khởi kiện là chủ của chuỗi nhà hàng là ông Huy Nhật và bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Điều hành của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế, liên quan đến cáo buộc vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý, các giao dịch bất thường và có thể có yếu tố lừa đảo, theo đó ông Huy Nhật đã chiếm dụng một lượng lớn tiền mặt và tài sản.

Trong ba năm đầu tiên kể từ khi được rót vốn, chuỗi nhà hàng lớn này gồm nhiều hệ thống tên tuổi như: phở ông Hùng; Cơm Express; Great Bánh mì & cafe; Cơm Thố Cháy; Phở 99; Iki sushi; Shilla Korean BBQ Restaurant hay Mì Quảng Bếp Tâm... đã có doanh thu khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019, công ty này đã có dấu hiệu không thanh toán nổi các khoản nợ cho hàng chục nhà cung cấp. Một số cơ sở của hệ thống này cũng đã âm thầm đóng cửa.

Việc kết luận người chủ của một hệ thống cửa hàng đình đám có dấu hiệu lừa đảo đối với nhà đầu tư hay không là việc của cơ quan chức năng. Nhưng việc một thương hiệu, thu hút được sự tin tưởng của những đối tác nước ngoài mà lại trở thành con nợ một cách nhanh chóng là điều đáng tiếc.

Nhưng, việc này xảy ra có lẽ không ngoài dự đoán của những người “hiểu việc”. Bởi, khi những cửa hàng của chuỗi hệ thống này xuất hiện trên các con phố lớn của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi mà người ta phải bỏ ra “cả đống tiền” để thuê mặt bằng, thì việc chiếm hữu những mảnh đất vàng ấy chỉ để bán đồ ăn là điều thật sự khó hiểu. Nhất là những món đồ ăn mà hệ thống này cung cấp chỉ có mức giá bán khiêm tốn. Loại mặt hàng cung cấp cho người sử dụng cũng chỉ ở mức... quà, bánh. Trừ khi, người thuê nó để bán hàng muốn mình... vỡ nợ.

Thời gian này, nhiều người cũng đã phàn nàn về sự xuống cấp của những thương hiệu truyền thống vốn được coi là đặc sản của mỗi vùng miền. Đặc biệt là sau khi người ta quyết tâm mở rộng những thương hiệu truyền thống ấy trong nước hoặc ra nước ngoài.

Sự sụp đổ của Món Huế, nên được coi là điều đáng báo động đối với những thương hiệu truyền thống vốn thành danh vì chất lượng. Bởi, nếu chỉ chạy theo hình thức, mà quên đi việc giữ gìn chất lượng vốn có, sự thất bại sẽ là tất yếu.