Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long

Năm nay, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trải qua đợt hạn mặn lịch sử. Nước mặn xâm nhập vào sâu nội địa đến hơn trăm km, biến công sức một nắng hai sương trên những đồng lúa thẳng cánh cò bay, những vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt vốn chứa chan hy vọng trúng mùa, trúng giá và những vườn cây ăn trái trù phú, xum xuê, nức tiếng của miền Tây Nam Bộ, với tổng diện tích lên đến hàng chục nghìn ha, bỗng chốc trở nên khó nhọc, bấp bênh!

Nỗi niềm tiếc nuối, xót xa, thấp thỏm là vô kể. Đáng lo nhất, đằng sau những thiệt hại, mất mát, liệu các năm sau, rồi các năm sau nữa, những khó khăn, ám ảnh kiểu này có lặp lại hay không?

Biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác nước ngầm bừa bãi của con người đang tác động tới ĐBSCL ngày càng khó lường. Nó đe dọa cả vùng châu thổ rộng lớn này bằng mưa nắng, gió bão thất thường, bằng nước biển dâng và tình trạng sụt lún đất đai nghiêm trọng. Đồng bằng lúc thì vùng vẫy trong nước lũ, triều cường, lúc thì nhiễm mặn, khát cháy, nứt nẻ trong hạn nặng.

Đã có nhiều bàn thảo và khuyến cáo được đưa ra, nhưng chưa có một giải pháp tháo gỡ thật sự hiệu quả, tổng thể và bền vững nào được quyết đoán. Chính vì thế, ĐBSCL vẫn mãi loay hoay với những giải pháp nhỏ lẻ. Đã nhỏ lẻ thì dễ thành cục bộ, cùng lúc giải quyết được vấn đề cho chỗ này nhưng đồng thời lại trở thành kém hiệu quả cho chỗ khác. Cả vùng đồng bằng rộng lớn vẫn còn loay hoay, lúng túng trong giải quyết vấn đề tổng thể, bắt đầu từ việc còn thiếu cân đối những mục tiêu riêng của mỗi tiểu vùng.

Bao lâu nay, ĐBSCL vẫn gánh nặng mục tiêu “vựa lúa của cả nước” và dần dà, mục tiêu đó trở nên thiếu linh hoạt. Với việc duy trì hàng chục năm, mục tiêu đã mang lại cho ĐBSCL diện tích sản xuất lương thực đáng ngưỡng mộ lên đến hơn 4 triệu ha, nhưng mục tiêu này cũng biến vùng đồng bằng thơ mộng, trù phú trở thành “vựa ô nhiễm” đất đai, nước mặt, nước ngầm bởi lượng tiêu thụ phân bón hóa học, thuốc trừ sâu khổng lồ và tình trạng khoan phá, khai thác nước ngầm vô tội vạ. Có nơi vì mục tiêu thâm canh, tăng vụ mà sốt sắng đắp bờ bao ngăn nước, song liền đó lại quên mất việc đắp bờ trữ nước nên mới bị hạn hán, ngập mặn tiến công đã nguy cơ “mất cả chì lẫn chài”.

Cho nên, vấn đề của ĐBSCL cần làm lúc này là cần bắt đầu từ xác định mục tiêu tổng thể, thứ đến là phân định mục tiêu tiểu vùng tạo thành chuỗi liên kết. Xong xuôi việc xác định, phân định mục tiêu mới nên tính đến xác định các sản phẩm cạnh tranh như thế nào, rồi tiếp đó mới đến các giải pháp vốn, quy hoạch, xây dựng, vận hành, quản lý mục tiêu…

Muốn vậy, cần xác định mục tiêu của ĐBSCL phải bắt đầu từ quan điểm phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm, vừa chú trọng sự phát triển trong hiện tại mà vẫn bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai - một quan điểm phát triển có thể khắc phục những lỗi lầm của con người và thích nghi với biến đổi khí hậu. Đây chính là câu trả lời thẳng thắn và quan trọng nhất mà ĐBSCL cần để giải quyết tận gốc những vấn đề luôn nóng bỏng và luôn “đến hẹn lại lên” của mình.