Phát huy những giá trị thiêng liêng

Từng có nhiều cách đặt vấn đề về khả năng tồn tại của những yếu tố tinh thần đậm tính cổ truyền trong xã hội hiện đại. Các giá trị được đúc rút, kết tinh từ đời sống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng… sẽ tiếp biến, thay đổi và cả mai một thế nào khi mà khoa học kỹ thuật, và nay là công nghệ “lên ngôi”?

Thực tế, các yếu tố mang tính định lượng, đòi hỏi độ chính xác cao, yêu cầu những căn cứ rõ ràng, ngày càng được chú trọng hơn trong quá trình xây dựng xã hội, phục vụ đời sống, giáo dục và phát triển con người.

Và khi đó, thì những “màn sương huyền thoại” vốn phủ lên đời sống con người hàng trăm, nghìn năm, cũng có thể mờ nhạt đi. Nhường chỗ cho những vấn đề, hiện tượng, khái niệm được phân tích, lý giải một cách rõ ràng hoặc tiến dần đến rõ ràng, chính xác. Thậm chí, trước đây, đã từng có những thời kỳ mà các giá trị thiêng liêng trong đời sống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng cộng đồng bị xem nhẹ, các giá trị vật chất liên quan cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Nhưng thực tế đời sống cũng đang chứng minh cho sự tồn tại bền lâu của những giá trị đã được kết tinh trong cộng đồng cư dân xưa, hôm nay vẫn có thể đồng hành, truyền cảm hứng cho những cộng đồng dân cư mới trong xã hội đương đại. Những thành quả lớn, những ấn tượng và xúc cảm đọng lại trong những cơn biến động của dịch bệnh, thiên tai gần đây; những hiệu quả thực đến từ nhiều hoạt động xã hội, thiện nguyện; những ý tưởng, sản phẩm, hoạt động mới được khơi nguồn từ các giá trị văn hóa cổ truyền đang lan tỏa…, tất cả càng cho thấy cái “màn sương huyền thoại” mà có khi người ta băn khoăn, lo lắng ấy, vẫn luôn là một thành tố quy tụ, kết nối, tạo nên sức mạnh cộng đồng, cùng với cộng đồng vượt qua khó khăn.

Tinh thần dân tộc, tình nghĩa đồng bào, lòng ơn kính tổ tiên của đất nước và của dòng tộc, gia đình, ý thức tôn vinh dòng chảy tiếp nối không ngừng nghỉ qua bao thế hệ để có lớp người hôm nay…, những giá trị, tình cảm ấy vẫn hòa thấm trong đời sống đông đảo người dân. Và không chỉ trong nghi lễ, hội hè, mà trong những thực hành đời sống xã hội, các giá trị, tình cảm ấy vẫn sống động, phong phú, lan tỏa. 

Một thí dụ thật sinh động. Lời căn dặn của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, hẳn đã bắt nguồn từ lòng ơn kính vô hạn của Người trước công lao của các Vua Hùng, các bậc tiên tổ xưa; đồng thời, cũng hòa quyện với ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Ngày hôm nay, người Việt Nam tiếp tục làm sáng lên lời dạy vẫn mang tính thời sự, thời cuộc, của Người. “Cùng nhau giữ lấy nước”, đặt trong bối cảnh hôm nay, được chúng ta bồi đắp thêm, cũng chính là làm cho đất nước giàu mạnh lên, vượt qua những thử thách của thiên tai, dịch bệnh, đói nghèo. 

Trước thềm Giỗ Tổ Vua Hùng năm 2021, ngẫm lại những điều thiêng liêng xưa truyền nối đến hôm nay, càng cảm nhận sâu sắc hơn rằng truyền thống thiêng liêng thành kính tổ tiên, ân đức của các bậc tiền nhân chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc của cộng đồng trong bối cảnh mới, nếu chúng ta biết gìn giữ, phát huy trong thời đại mới.