Phải xử lý nghiêm từ đầu

Có lẽ cho tới thời điểm này, “vi phạm trật tự xây dựng” đang là cụm từ gây đau đầu nhất cho những người làm việc và có trách nhiệm trong lĩnh vực này trên địa bàn cả nước.

Đã có rất nhiều vụ việc được cơ quan chức năng xử lý, thậm chí một số vụ đã được cơ quan công an khởi tố vụ án. Tuy nhiên, có vẻ như vấn đề nan giải này vẫn còn nhiều điều “khó nói”. Tới mức cần phải có sự yêu cầu xử lý từ cấp cao hơn cả những cơ quan chịu trách nhiệm chính về lĩnh vực này.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra phản ánh, kiến nghị của các hộ dân khu nhà ngõ 15 phố Sơn Tây về căn nhà có 4 tầng hầm. Văn bản số 7996 của Văn phòng Chính phủ cho biết, các hộ gia đình hiện đang ở khu nhà ngõ 15 phố Sơn Tây, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội có đơn gửi Thủ tướng phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc UBND quận Ba Đình cấp giấy phép xây dựng nhà số 15 phố Sơn Tây. Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra, giải quyết phản ánh, kiến nghị của các hộ dân theo đúng quy định của pháp luật, trả lời cho các hộ gia đình và báo cáo Thủ tướng kết quả giải quyết.

Đây không phải lần đầu Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng ở địa phương phải báo cáo về một vụ việc cụ thể, trong tầm giải quyết thậm chí chỉ ở cấp quận. 

Trong nội dung trả lời phản ánh của cử tri cách đây một thời gian ngắn, Bộ Xây dựng thừa nhận, tại một số địa phương tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng còn diễn biến phức tạp, chưa được xử lý nghiêm túc, thiếu kiên quyết, dứt điểm. Để giải quyết triệt để vấn đề này, Bộ Xây dựng cho rằng cần phải tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, cán bộ được giao quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn trong công tác kiểm tra, giám sát các công trình ngay từ giai đoạn khởi công đến khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm mà không xử lý, xử lý không kịp thời, không triệt để hoặc có hành vi dung túng, bao che hành vi vi phạm.

Điều mà ai cũng biết là mỗi công trình xây dựng lớn nhỏ khi khởi công đều có sự xuất hiện của cán bộ phụ trách lĩnh vực này, dù là ở cấp xã. Và mỗi công trình sai phạm, nhất là ở các thành phố lớn, đều có diện tích lớn hơn… “voi” và đều ở những vị trí ai cũng có thể nhìn thấy.

Nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng ở Thủ đô đã bị cơ quan chức năng tiến hành xử phạt. Một số vụ chủ công trình phải tháo dỡ, khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, hầu hết số vụ vi phạm chỉ bị phạt hành chính với số tiền từ vài chục đến hơn trăm triệu đồng. Mức phạt như vậy, so với lợi nhuận mà chủ công trình vi phạm thu được xem ra chẳng đáng là bao.

Cũng có lẽ tỷ suất lợi nhuận quá cao so với mức độ chịu trách nhiệm và số tiền xử phạt, nên mỗi vụ việc cụ thể ở một địa phương, người ta lại phải chờ đợi yêu cầu xử lý từ cấp cao hơn, thậm chí từ Thủ tướng Chính phủ. 

Đã đến lúc, những vụ việc vi phạm quy định về xây dựng như thế này cần phải bị xử lý nghiêm ngay từ khi manh nha tiến hành chứ không thể để xảy ra rồi mới báo cáo lên chờ cấp trên xử lý. Đó là nhiệm vụ thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng tại cơ sở. Nếu xảy ra sai phạm, cần truy xét ngay chức trách của cơ quan chức năng tại cơ sở. Có làm nghiêm như vậy, mới không còn tái diễn những vụ việc vi phạm như công trình xây dựng ở khu nhà ngõ 15 phố Sơn Tây đã nêu ở trên. Điệp khúc cũ “phạt cho tồn tại” cần phải bị chấm dứt.