Mừng Xuân, mừng Đảng, nhớ tới lời tiên tri của Bác

Năm 2020 đầy ắp những ngày lễ kỷ niệm trọng đại, mở đầu là 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020). Sự trùng hợp như vậy mang tính biểu tượng rất cao, vì các sự kiện lớn trong năm đều liên quan tới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong chín thập kỷ tồn tại và phát triển, Đảng đã dẫn dắt nhân dân ta lập nên ba kỳ tích mang tính lịch sử và tầm vóc thời đại. Sau 15 năm ra đời, Đảng đã lãnh đạo toàn dân vùng lên lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân - phong kiến, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trong thế giới thuộc địa chứ không chỉ riêng ở Đông - Nam Á.

Tiếp đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành chiến thắng oanh liệt trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất giang sơn.

Và gần 35 năm trước, trong khi chế độ xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ ở các nước Đông Âu và cả Liên Xô, nước ta không những tránh được bi kịch tương tự mà còn thu được nhiều thành công trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước vốn nghèo nàn thành một quốc gia có thu nhập trung bình, với vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới.

Bí quyết nào đã giúp Đảng và nhân dân ta làm nên những kỳ tích vĩ đại như vậy? Đây là đề tài lớn, đòi hỏi những công trình nghiên cứu công phu. Riêng về phần mình, vào những ngày mừng Xuân, mừng Đảng, khi đọc lại bài diễn ca “Lịch sử nước ta” do Bác Hồ viết và cho phổ biến vào mùa Xuân năm 1942, tôi bỗng cảm thấy như một lời tiên tri, chỉ ra bí quyết ấy.

Với những vần thơ mộc mạc nhưng không kém phần hào sảng, bài diễn ca chẳng khác nào “Hịch non sông” đã chỉ đường, dẫn lối cho toàn dân tộc giành lại độc lập vào ba năm sau. Hơn thế nữa, còn soi đường, định hướng cho các công cuộc kháng chiến, kiến quốc trong hơn 70 năm tiếp đó.

Khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bài diễn ca khẳng định: “Xét trong lịch sử Việt Nam; Dân ta vốn cũng vẻ vang anh hùng; Nhiều phen đánh Bắc, dẹp Đông; Oanh oanh, liệt liệt, con Rồng cháu Tiên!”.

Khí phách ấy đã trở thành sức mạnh dời non lấp biển. “Khuyên ai xin nhớ chữ đồng; Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh” đồng thời “… có hội Việt Minh; Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh”.

Bác không những nêu bật sức mạnh nội tại mà còn chỉ ra thời cơ thuận lợi bắt nguồn từ tình hình thế giới: “Bây giờ Pháp mất nước rồi; Không đủ sức, không đủ người trị ta; Giặc Nhật Bản thì mới qua; Cái nền thống trị chưa ra mối mành; Lại cùng Tầu, Mỹ, Hà, Anh; Khắp nơi có cuộc chiến tranh rầy rà; Ấy là nhịp tốt cho ta; Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông”.

Thật là vô cùng kỳ lạ, hết sức tài tình! Thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám và các cuộc kháng chiến cứu nước, cũng như công cuộc đổi mới là những minh chứng hùng hồn nói lên tính tiên tri của những câu thơ bình dị nói trên, cho dù hoàn cảnh và chủ trương cụ thể có những điều chỉnh, đổi thay.

Tin rằng nội hàm sâu sắc ẩn trong 210 câu thơ lục bát về “Lịch sử nước ta” của Bác sẽ tiếp tục là bảo bối giúp chúng ta lập nên kỳ tích mới trên con đường tiến tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với những mốc son mới: 100 năm lập Đảng vào năm 2030 rồi 100 năm lập quốc vào năm 2045.