Luận về nịnh bợ

Mỗi một chúng ta đều có thể trở thành nạn nhân của nịnh bợ. Ngay cả những kẻ nịnh bợ cũng từng là nạn nhân của kẻ nịnh bợ khác. Bởi vậy việc cho ra những quy định nhằm ngăn chặn những nguy cơ mà những kẻ nịnh bợ có thể gây ra cho đời sống xã hội chắc chắn sẽ được sự đồng thuận lớn của xã hội.

Để chống nịnh bợ trở thành hiện thực cần giải quyết một số vấn đề có tính nguyên tắc. Đầu tiên phải phân biệt rõ nịnh bợ và những hành vi tương tự nhưng khác về bản chất. Chúng ta đều biết những người sáng tạo như nhà sáng chế, phát minh, nghệ sĩ hay những thủ lĩnh dẫn dắt cộng đồng thường cô đơn trên con đường tìm kiếm. Một sự cảm thông động viên đúng lúc với họ sẽ làm nên giá trị như một nơi bấu víu, nương tựa đối với những người thiếu mạnh mẽ, quyết đoán. Phân tách giữa động viên, khuyến khích và nịnh bợ là điều bắt buộc phải làm. Đối lập với nịnh bợ, có lẽ là thẳng thắn, cương trực. Một quy định trừng phạt hành vi nịnh bợ, chắc sẽ kèm theo thăng thưởng cho sự thẳng thắn, cương trực.

Một điều đáng quan tâm là nịnh bợ về bản chất cũng giống như phép hối lộ tinh thần. Đã trừng phạt người đưa hối lộ, chắc phải trừng phạt cả người nhận sự bợ đỡ ấy. Nếu không đó sẽ là những quy định thiên kiến, thiếu tính khách quan, khoa học. Hoặc cũng có những người luôn thẳng thắn với một số người, nhưng lại mềm mỏng, hòa hoãn gần như nịnh bợ với phe cánh đối lập. Làm rõ đúng sai, công tội trong những hành vi đan xen là rất khó, nhưng phải làm.

Cuối cùng, nịnh bợ có thật sự xấu như đám đông vẫn căm ghét? Đại văn hào Lép Tôn-xtôi đã từng nói: ngay những tình bạn chân thành nhất, cảm động nhất nịnh hót hay tán dương cũng cần thiết như chất dầu mỡ cho cỗ xe chạy. Chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều thân phận mờ nhạt, lầm lũi sống chỉ với niềm kỳ vọng của vài kẻ yêu thương. Rồi một ngày cuộc đời họ bừng sáng những điều kỳ diệu.

Tin tưởng và nỗ lực cho những điều tốt đẹp của con người, chắc chắn sẽ làm nên điều kỳ diệu!