Loại bỏ giấy phép con

Bằng nhiều sáng kiến và nỗ lực cụ thể, thời gian qua, các bộ, ngành đã dần loại bỏ được nhiều loại “giấy phép con”, thứ vốn được coi là một trong những nguyên nhân cản trở việc phát triển sản xuất, kinh doanh trên nhiều mặt.

Theo nhiều báo cáo, hàng nghìn loại “giấy phép con” đã bị triệt tiêu trong vài năm qua, bớt cho người dân, doanh nghiệp khỏi những sự phiền hà, thậm chí là sách nhiễu từ phía cơ quan công vụ.

Mỗi ngành nghề kinh doanh đặc thù đều vẫn cần phải đáp ứng những yêu cầu tiêu chuẩn, bởi thế sự tồn tại của một số loại giấy phép mang tính chất bắt buộc vẫn là điều cần thiết. Tuy nhiên, với những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, cũng đòi hỏi cơ quan chức năng phải có cái nhìn hết sức thông thoáng để loại bỏ những điều kiện phi thực tế gây khó khăn cho doanh nghiệp, cộng đồng.

Là một quốc gia sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, chúng ta đã thực hiện rất tốt việc xây dựng các bộ nhận diện thương hiệu cho trái cây. Những loại cây trái đại diện cho các khu vực chuyên canh từ bắc chí nam đã có mặt ở nhiều nước châu Âu, Mỹ… đã cho thấy kết quả của sự nghiêm túc trong việc xây dựng thương hiệu cho nông sản. Chính chúng ta, bằng sự cẩn trọng, nghiêm khắc với bản thân trong các hoạt động nuôi trồng một cách khoa học đã có quyền tự hào rằng, thành công đó là thành quả của quá trình lao động cần cù, chịu khó và sáng tạo.

Thương hiệu lúa gạo Sóc Trăng của Việt Nam đã đứng nhất nhì thế giới. Quả vải thiều trở thành nguồn thu ngoại tệ lớn cho cả một vùng đất đồi vẫn nhiều gian khó... Ở đất nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nông nghiệp sẽ dễ dàng phát triển, nhưng cũng cần tránh phát triển một cách dễ dãi, mang đậm tính cảm quan như đã có thời… Những thành quả trên đã cho thấy, khi mọi việc đã “vào guồng” thì những thứ giấy phép ràng buộc - “giấy phép con” sẽ không còn lý do tồn tại.

Năm này, thấy người ta đã tiến hành yêu cầu truy xuất nguồn gốc cho nhiều loại cây cảnh Tết truyền thống như mai vàng Nam Bộ, đào rừng Tây Bắc. Hiểu rằng những sản phẩm cần được bảo vệ sẽ bớt bị xâm hại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới có công văn về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng, đồng thời truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng trong dịp Tết. Bộ đã yêu cầu các đơn vị chức năng có thể áp dụng biện pháp trước mắt là xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính gây ách tắc sản xuất.

Chỉ cần không xuất hiện thêm “giấy phép con”, ít nhất khoảng 5.000 ha cây đào trồng trên đất nông nghiệp, vườn nhà của đồng bào các dân tộc ở vùng cao Sơn La sẽ có cơ hội bung nở đón xuân ở khắp mọi miền Tổ quốc.