Lấp đầy khoảng cách thế hệ

Trước khi diễn ra Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ ba chưa lâu (ngày 12 và 13-11), từng có những ý kiến gợi nên không ít băn khoăn. Đó là, có khoảng cách không nhỏ giữa nhiều người viết trẻ với thế hệ đi trước.

Biểu hiện rõ và cụ thể của tình trạng này là ít gặp gỡ, ít trao đổi, ít sự đối thoại để có thể có cơ hội gần nhau, hiểu nhau hơn giữa những lớp người sáng tác, tạm gọi: trẻ - già. Ngay cả sự kết nối, tinh thần lắng nghe, cầu thị giữa một bộ phận những cây bút trẻ với nhau, cũng còn lỏng lẻo.

Không chỉ xuất hiện trong đời sống văn học trên địa bàn Thủ đô, những nhận định trên có thể rút ra qua quan sát rộng hơn, với những lĩnh vực sáng tạo khác nữa. Một số thí dụ, trong đời sống sân khấu, hiếm hoi để nhận ra sự vượt lên, vươn tới khẳng định và ghi nhận của các tác giả và đạo diễn trẻ. Mà các thành phần sáng tạo đó, đa phần tuổi đã trung niên đến cao niên. Trong mỹ thuật, một xu hướng mà nhiều người dễ nhận thấy, là sự hình thành dần và quy tụ những nhóm họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ, thế hệ mới với những “sân chơi” còn thiếu vắng về sự kết nối với lớp người trước hoặc với tổ chức nghề nghiệp hiện chủ yếu do các nghệ sĩ cao tuổi điều hành. Trong điện ảnh, xuất hiện các lứa những nhà làm phim độc lập, các tác giả, đạo diễn trẻ miệt mài với những chương trình, dự án mới mẻ, ít khi “đồng hành” với hoạt động của lớp cao niên. Với văn học, nhiều trường hợp văn trẻ không lưu tâm nhiều đến những “kỳ cuộc” do lớp người trước kiến tạo, hoặc cũng không nhiều dịp được góp mặt; một bộ phận lớp “già” dường như cảm nhận về các “con cháu” còn có phần đơn giản, có khi còn chê, còn “xoa đầu” nhiều hơn là khuyến khích, động viên và ghi nhận hợp lý…

Thực tế này của các mối quan hệ, liên hệ nghề nghiệp, công việc trong đời sống văn chương, đương nhiên không thể đo đếm. Nhưng bằng trải nghiệm, quan sát và nhận xét của những người trong cuộc, đó là điều đã, đang diễn ra, phản ánh một mặt hạn chế mang sắc thái tiêu cực của đời sống văn nghệ. Nguyên cớ, chắc khó lòng nói riêng tại ai, người trẻ hay “người già”; tại cơ chế; tại thời cuộc; tại những tác động xã hội trong thời buổi kinh tế thị trường; hay tại những uẩn khúc riêng của môi trường văn nghệ vốn bị ảnh hưởng bởi cá tính sáng tạo, tính độc tôn, bởi cái nhìn phần nào còn mang tính phân biệt: già - trẻ, trưởng thành - bồng bột, kinh nghiệm - sốc nổi… Nếu bàn luận, phân tích từ những góc nhìn xã hội, văn hóa, tâm lý…, sẽ có thể nhìn nhận rõ hơn những khe hở, khoảng cách thế hệ mà để gắn kết, lấp đầy tương đối, sẽ phải có tinh thần cầu thị, lắng nghe một cách chân thành cũng như những hành động tự nguyện đến từ nhiều phía.

Ngẫm ra, đây là điều cần và rất nên làm cho đời sống văn nghệ. Thúc đẩy sự gặp gỡ, kết nối và nâng cao tính liên thông giữa các thế hệ sáng tạo, không chỉ giúp làm đẹp, làm mạnh lên bản thân môi trường văn nghệ, mà còn góp phần mở rộng cái nhìn, trái tim văn nghệ sĩ với chính đời sống xã hội đa dạng, phong phú và đầy những chất liệu hấp dẫn để có thể tạo nên những tác phẩm có sức thuyết phục làm rung động lòng người.