Hội Nhà văn trong bối cảnh mới

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2021 - 2025 sẽ diễn ra trong hai ngày 24 và 25-11 tại Hà Nội. Đại hội được dành nhiều mong đợi là bản lề cho đổi mới trong công tác Hội, phát huy mạnh mẽ giá trị văn học, đồng thời góp phần nâng cao và khẳng định vai trò tiếng nói nhà văn trong xã hội. 

Thực tế những năm gần đây, bằng những nỗ lực thúc đẩy, hợp tác, Hội đã góp phần lan tỏa tiếng nói văn chương, khích lệ người cầm bút qua những hoạt động đáng kể. Như việc hợp tác với các bộ, ngành tổ chức các cuộc thi và tôn vinh các tác giả, tác phẩm có sáng tác nổi bật về đề tài nông dân, nông thôn, về các vấn đề xã hội, đề tài biên giới, biển đảo, vì an ninh Tổ quốc…; tổ chức các hội thảo quốc tế về dịch thuật; các liên hoan thơ quốc tế và Ngày thơ Việt Nam… Hôm nay, những thách thức của thời cuộc đòi hỏi Hội Nhà văn Việt Nam với trách nhiệm lớn của một tập thể lãnh đạo, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao những cách làm hay, thành quả tốt đã có được; gợi mở, đề xuất, cổ vũ và tiếp sức cho những hoạt động mới, những ý tưởng hay, những nỗ lực sáng tác của hội viên cả nước. 

Trong đó, rất đáng quan tâm đẩy mạnh, là vai trò của Hội khi kết nối sự hợp tác giữa các nhà văn với xã hội trong việc xuất bản, phát hành, quảng bá và tiếp nhận tác phẩm. Điều này rất thiết thực trong hoàn cảnh điều kiện sáng tác của nhiều nhà văn còn khó khăn, chế độ nhuận bút chưa thật sự tương xứng, cơ hội tiếp cận để giới thiệu bản thảo cũng như năng lực quảng bá tác phẩm ra công chúng còn hạn chế. 

Rất cần quan tâm nhiều hơn đến những mảng chủ đề, đề tài thời sự của đất nước, vùng miền như bảo vệ chủ quyền; phát triển kinh tế, xã hội; bảo vệ môi trường; bảo vệ và bồi đắp văn hóa, truyền thống; xây dựng các giá trị nhân văn, thúc đẩy cơ chế đầu tư, tài trợ, đặt hàng sáng tác của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, qua đó tạo thêm điều kiện giúp nhà văn tăng cường thực tế, thâm nhập đời sống… Ở đây, vai trò mời gọi tác giả, tổ chức đội ngũ, thiết kế các chương trình, hoạt động sáng tác của Hội rất cần được phát huy.

Cùng với đó, không thể không đòi hỏi nhiều hơn, cụ thể hơn và nhanh nhạy hơn đối với vai trò của Hội trong việc tư vấn, góp ý với Nhà nước, ngành văn hóa trong việc phát triển chính sách về văn học nói riêng, văn hóa nghệ thuật nói chung. Nhất là khi công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ nhà văn của ngành văn hóa còn hạn chế; việc thực thi các quy định về tác quyền đối với nhà văn còn những lỗ hổng. 

Và nên chăng nữa, Hội Nhà văn, với một Ban chấp hành nhiệm kỳ mới, cùng các bộ phận trực thuộc sắp tới, cũng cần nghiên cứu cách đổi mới, cải tiến trong phương pháp làm việc của mình, trên tinh thần khơi gợi sáng kiến, thúc giục và thúc đẩy hoạt động của từng bộ phận. Sự năng động và sáng tạo chung sẽ đem lại cho công tác lãnh đạo, điều hành của đội ngũ lãnh đạo Hội chỗ dựa bền vững, cho sự cộng hưởng thiết thực của Hội với mỗi hội viên của mình.