Giữ ngay cái đang có

Những ngày Tết nắng tưng bừng và dịp “ăn rằm” oi bức như báo hiệu những bất thường trong thời tiết. Ứng phó thời tiết, người dân càng cần theo dõi sát các bản tin trên đài. Xu hướng như nhiều nhận định đã nêu, diễn biến thời tiết thêm nhiều biểu hiện cực đoan, tiềm ẩn sự bất thường.

Và nhiều người, nhớ lại những đợt nắng nóng đến cháy mặt đường, những trận mưa bất thường gây úng ngập, những cơn lũ khiến sạt lở, cuốn phăng nhà cửa tài sản… trong năm qua, năm trước, trước nữa. Thậm chí, thời điểm này, nhiều người vẫn khắc khoải, nhọc nhằn, bởi tổn thất do thiên tai, thời tiết cực đoan vẫn chưa khắc phục hết. Nghĩ đến những gì có nguy cơ xảy ra đe dọa tiếp trong mùa nắng nóng, mùa mưa năm nay, nhiều người hẳn đã rùng mình.

Trong hoàn cảnh đó, càng lo ngại, sợ hãi thêm khi người ta nhận thấy ngày càng nhiều những dòng sông ô nhiễm, nhiều dòng sông vẫn “chết thêm” bởi sự thu hẹp dòng chảy, bởi nước thải, rác thải ứ đọng đến không chảy nổi. Nhiều mặt nước hồ, ao ở nông thôn, thành thị vẫn nhỏ lại dần. Địa bàn nội thị, cạnh những tuyến đường tưởng không còn “ních” được gì thêm, vẫn có dấu hiệu mọc lên các cao ốc. Ngay cả những địa bàn khu vực miền núi, trung du, có nơi vẫn chật chội thêm do hoạt động xây dựng và các công trình đồ sộ chen lấn…

Giữ ngay cái đang có để bảo đảm sự cân bằng tự nhiên, dừng lại tốc độ thu hẹp, biến mất. Bảo vệ và chăm sóc để nâng cao “tuổi thọ” của những “công trình tự nhiên”, góp phần cân bằng không khí, ổn định thời tiết, bảo đảm sự hài hòa cho cuộc sống người dân các địa bàn. Việc làm cấp thiết này là nền tảng cần thiết nhằm tăng chất lượng cuộc sống. Đồng thời, “rẻ” hơn nhiều so việc phải tái tạo, phải phục hồi những gì đã suy yếu, đã tổn thất, mất mát.

Càng cần phải tích cực hơn nhiều nữa cho việc làm sống lại những “công trình tự nhiên”. Bởi tình trạng đó vẫn ngày ngày gây nhức nhối cho người dân. Khơi lại dòng chảy, làm trong sạch những dòng sông nhỏ đen đặc vì ô nhiễm, ngăn chặn triệt để tình trạng vứt rác bừa bãi, biến sông hồ trở thành nơi tập kết rác thải, phủ xanh lại nhiều quả đồi, ngọn núi đang mỏi mòn chờ được phủ xanh… Các “bệnh nhân” như thế, cần được cứu, được chữa bệnh và tạo điều kiện để “phục hồi chức năng”, chứ không nên kéo dài tình trạng nhìn thấy chết dần mà chậm hoặc không làm gì được!