Gặp gỡ trực tiếp

Tại Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ vừa dự hội nghị đối thoại với nông dân lần thứ ba - năm 2020 với chủ đề “Cùng nỗ lực vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt, giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”. Hội nghị thu hút sự chú ý sôi nổi của dư luận. 

Qua cuộc đối thoại này, nhiều nội dung quan trọng, thiết thực liên quan đến chính sách và sản xuất nông nghiệp, văn hóa xã hội nông thôn… đã được hỏi - đáp, trao đổi, chia sẻ trực tiếp giữa bà con với người đứng đầu Chính phủ. Tiếp theo hội nghị này, Thủ tướng chủ trì hội nghị “Kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua; Định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới”, có sự tham dự của nhiều hộ gia đình tham gia canh tác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp này.

Đây là lần thứ ba trong vòng ba năm qua, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương có cuộc gặp gỡ, lắng nghe, giải đáp câu hỏi của các đại biểu đại diện cho đông đảo nông dân các vùng, miền và cả nước. Tất nhiên không chỉ dịp này, mà trong thực tế công tác, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, sâu sát, thường xuyên có các hoạt động tham quan, tìm hiểu tình hình sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân ở nhiều địa phương, địa bàn, nhiều địa chỉ cụ thể. Thông qua hình thức tổ chức phù hợp với những nội dung thiết thực, các cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với nông dân sẽ góp phần thắt chặt quan hệ giữa chính quyền với người dân, nâng cao mối quan tâm, sự chú trọng của hệ thống chính trị, dư luận xã hội đối với công việc, đời sống, tâm tư nguyện vọng của bà con. Qua đó, truyền cảm hứng, sự hăng hái đến bà con khi những băn khoăn, thắc mắc và mong mỏi của người dân được lãnh đạo đất nước, bộ, ngành quan tâm, lắng nghe kịp thời. Đồng thời, những người đứng đầu đất nước, bộ, ngành khi trực tiếp nhìn, nghe những nỗi niềm, cảm xúc của đồng bào, cũng sẽ có những cảm nhận rõ nét, sinh động hơn về tình hình nông dân, nông nghiệp, nông thôn hiện tại. 

Để định hướng, điều chỉnh, theo dõi hoạt động sản xuất của nông dân cũng như các lực lượng khác, có hệ thống đường lối, chính sách, có các cơ quan quản lý ngành, các đơn vị chức năng. Trong đó, không thể thiếu vai trò chỉ đạo, điều phối và giám sát của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với hiệu quả của chính sách và hoạt động của các cơ quan, bộ, ngành. Trong đó, việc tăng cường các hình thức tương tác trực tiếp, các kênh kết nối giữa Chính phủ, các cơ quan giúp việc cho lãnh đạo Chính phủ với nông dân, người lao động nói chung cũng rất cần chú trọng, thúc đẩy. Đây cũng chính là một cách để kiểm tra việc phát huy vai trò của đội ngũ lãnh đạo, quản lý về ngành nghề và chính quyền ở cơ sở đối với công ăn việc làm, đời sống vật chất, tinh thần, tiếng nói, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Từ đó, có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, xử lý những bất cập phát sinh mà nếu thiếu tiếng nói tác động của Chính phủ hay cấp bộ, ngành Trung ương, những hiện tượng, thực trạng không mong muốn có thể lâu được giải quyết.