Để vừa đẹp đạo vừa tốt đời

Những ngày gần đây, một số hình ảnh, thực tế cho thấy việc đi lễ chùa của khách thập phương tăng cao bất ngờ. Nhất là sau đợt Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua với liên tục các nguy cơ giãn cách xã hội.

Minh chứng rõ nhất là cả vạn người chen chúc nhau ở khu vực ngôi chùa Tam Chúc (Hà Nam) mấy ngày qua, chùa mới xây đang thu hút rất nhiều khách thập phương về chiêm bái. 

Vốn dĩ là nơi thanh tịnh, những ngôi chùa lớn được xây mới lại càng được đặt ở những nơi có “phong thủy”. Một số ngôi chùa đông khách phía bắc hiện nay đều có vị trí thuận lợi để nhân dân có thể qua lại và tiện bề thể hiện tấm lòng thành kính của mình. Điều kiện đi lại dễ dàng, phương tiện đi lại tốt và hiện đại hơn trước nên người ta tới chùa ngày một đông hơn là điều dễ hiểu.

Từ xưa tới giờ, những chốn cổ tự như chùa Hương, chùa Trúc Lâm Yên Tử hay chùa Bái Đính đều có vị trí xa rời các khu dân cư tấp nập. Có lẽ các bậc chân tu cũng chẳng muốn để cho những điều trần tục còn vướng bận tới mình. Đức vua Trần khi xưa bỏ kinh thành hoa lệ lên non thiêng Yên Tử đi tu đã kiên quyết tới mức không để cho những người hầu cận của mình đi theo. Suối Giải oan nơi chân núi vẫn còn ghi dấu.

Các bậc tu hành ở chốn chùa chiền có lẽ cũng cùng chung ý niệm. Nơi tu tập vốn không phải chỗ phù hợp cho những hành vi suồng sã, ồn ào, xô bồ mà cần sự thanh tịnh, yên tĩnh. Người tới chốn tu hành cũng cần cái tâm an yên, thư thái chứ có mấy ai muốn dồn nén nhau vào chỗ chen chúc đến mức ngột ngạt?

Nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của mỗi người được pháp luật cũng như xã hội tôn trọng. Việc đi lễ cũng từ lâu phổ biến trong đời sống văn hóa dân tộc từ truyền thống đến hiện đại. Tuy nhiên, nhìn cảnh hàng vạn người chen chúc nhau ở chốn linh thiêng, thanh tĩnh ấy lại thấy rằng nhu cầu tới chùa của không ít khách thập phương là đáng băn khoăn. Người xưa vẫn dạy, thân tâm có trong sạch thì con người ta mới dám lai vãng đến chốn tu hành. Sự cầu cúng, nhu cầu hưởng lộc dường như đang bị gắn quá chặt vào chốn cửa chùa.

Mong muốn một cuộc sống bình an, một gia đình sung túc là nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân. Nhưng gắn cái mong muốn ấy vào để át đi ý thức phòng dịch trong tình hình vẫn còn nguy cơ bệnh dịch hiện nay, thì rõ ràng là đáng quan ngại. Nguy cơ dịch bệnh nơi chốn đông người đã hiện hữu. Rất đông người chen chúc nhau chỉ để vào được chùa trong không gian quánh đặc là thứ thực tế rõ ràng nhất đặt ra những câu hỏi về quản lý, về ý thức đối với việc đi lễ.

Sự thanh tịnh có lẽ phải bắt đầu từ trong tâm của mỗi con người trước khi vào lễ Phật.