Cơn bão đi qua

Cơn bão số 3 đã qua để lại những mất mát đau thương về người và của đối với một số tỉnh phía bắc, Bắc Trung Bộ, nhất là vùng núi cao và khu vực hạ du.

Những thông tin không mấy lạc quan về thiệt hại người và vật chất từ các tỉnh Sơn La, Bắc Cạn, Thanh Hóa... được các cơ quan chức năng cập nhật thường xuyên, liên tục phần nào cũng cho thấy vẫn còn không ít bất cập, hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai dù suốt những ngày qua chính quyền, người dân nơi đây đã dồn hết sức mình, quyết liệt đối phó với mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của.

Có thực tế là, bão, bao giờ cũng đến từ phía biển, thế nên cũng như hầu hết mọi năm, các đơn vị hành chính cấp tỉnh ở các vùng ven biển nơi có bão đi qua đều có sự chuẩn bị tương đối kỹ càng. Bởi thế, có vẻ như sự chuẩn bị ấy đã hạn chế được không ít thiệt hại do cơn bão mang lại. Ngược lại, ngày càng thấy rằng, rất nhiều nạn nhân của bão, lại là những con người ở vùng núi cao, những người sống ven bờ sông, suối dốc. Những thiệt hại nặng nề thậm chí còn xuất hiện ngay cả khi bão đã tan.

Mất gần một ngày 3-8, những người đang ở trong nhà, có nơi trú ẩn an toàn để tránh trú mưa bão đã thở phào khi trực tiếp thấy cơ quan chức năng xứ Thanh giải cứu thành công một người dân phải vật lộn ở trên ngọn cây giữa cơn lũ dữ. Thế để hiểu rằng, dù phương tiện cứu hộ - cứu nạn vẫn còn cực kỳ hạn chế, nhưng nếu có sự cố gắng của người gặp nạn và sự quyết tâm của các đơn vị cứu hộ - cứu nạn, người ta vẫn có thể sinh tồn trong hoàn cảnh cực kỳ khắc nghiệt.

Cũng thông tin từ Thanh Hóa, một cán bộ công an hy sinh trong lúc đi kiểm tra tình hình lụt bão. Thông tin đau buồn ấy càng khiến người ta cần phải tập trung hơn để bảo vệ an toàn cho con người, giữ gìn của cải vật chất mỗi khi phải ứng phó với sức tàn phá của thiên tai.

Biến đổi khí hậu toàn cầu rõ ràng đang gây những ảnh hưởng tiêu cực tới nước ta. Sự khắc nghiệt của thời tiết càng yêu cầu các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn. Không chỉ để ứng phó với cơn bão đầu mùa trong năm này, mà còn thêm nỗi lo về sự cố hồ đập thủy lợi, thủy điện; nỗi lo sạt lở núi, bờ sông; những cơn lũ ống, lũ quét luôn chờ chực tràn lên sinh mạng và những ngôi nhà của cư dân vùng hạ lưu… Mà phần nhiều những nguy cơ ấy rõ ràng do chính con người mang tới.

Và nhiệm vụ của các cơ quan chức năng sau mỗi mùa mưa bão, sau những nỗ lực để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và vật chất, trước sự tàn khốc của thiên tai, là nhanh chóng có các giải pháp kịp thời, tập trung khắc phục, giúp đỡ bà con trở lại sinh hoạt bình thường một cách sớm nhất.

Người ta trồng mỗi cái cây để vùng cao giữ đất, sẽ góp phần bớt đi nỗi đau sạt lở lấp cả nhà và người khi mưa lớn. Giữ những cánh rừng già đầu nguồn, sẽ hạn chế được lũ ống, lũ quét bất thần xuất hiện. Hạn chế xây thêm hồ đập thủy điện, sẽ hạn chế được nỗi lo xả lũ giữa đêm...

Những việc ấy, không chỉ tự thân chính quyền hay người dân vùng núi, vùng nguy cơ sạt lở, lũ lụt... có thể giải quyết được. Trách nhiệm này là của tất cả chúng ta, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội.