Cô giáo cấp hai

Giữa những ngày thu trong trẻo, tiếng trống trường khắp mọi miền lại rộn rã, báo hiệu năm học mới. Với một đất nước mà sự học luôn được đặc biệt coi trọng, thì những ngày này còn được gọi là “ngày toàn dân đưa trẻ tới trường”.

Có lẽ chẳng mấy ai không nhớ, cái ngày đầu tiên tới lớp, là vui vẻ với những người bạn mới đầy bỡ ngỡ. Với không gian rộng rãi, quang đãng, sân trường mang đầy vẻ bí ẩn của một thế giới bỗng nhiên rộng lớn hơn hẳn... trường mẫu giáo. Các bạn nhỏ xúng xính trong những bộ quần áo mới đẹp hơn, rộng hơn, những cái cặp sách cũng to hơn, đầy đặn hơn.

Có lẽ vui hơn hẳn, là đám học sinh bắt đầu vào cấp hai, lứa tuổi đã dần quen với thầy, với bạn. Một ngôi trường mới, chẳng sao. Những thầy, cô giáo mới ở trường lớp mới, cũng đều... sẽ chóng quen thuộc, gần gũi như những thầy, cô giáo cũ. Các em tung tăng với sách, cặp, với những người bạn học đã có thời gian gắn bó lâu dài hơn, gần gũi và nhiều kỷ niệm.

Với lứa học sinh cấp hai, nhất là đám học trò trên núi, hay ở những miền đồng bằng thường xuyên úng ngập, hoặc vùng xa xôi, khó khăn đặc biệt thì cô giáo chủ nhiệm lớp đôi khi “được” gánh vác thêm nhiệm vụ trông nom, chăm chút đám trẻ bắt đầu vào lứa tuổi nghịch ngợm và bắt đầu hình thành nhân cách. Cô, như mẹ khi phải đi tìm những đứa đầu têu trốn học. Cô nghiêm khắc, khó tính mỗi lúc giảng bài mà thấy đám trò nhỏ của mình không chịu tập trung. Và cô cũng là người bạn, lôi kéo chúng trở lại trường mỗi khi chúng phải nghỉ học vào rừng kiếm củi, hay đang tranh thủ ra sông kiếm vài thứ có thể phụ giúp gia đình nhân mùa... mưa lũ.

Theo suốt bốn năm học cấp hai, cô chính là người giúp đám trẻ bắt đầu tuổi “ẩm ương” có những bài học đầu tiên để chuẩn bị tiếp thu những bài học sau này ở tuổi trưởng thành.

Cũng có lẽ vì thế, đối với học trò thì cô giáo cấp hai luôn dành được sự yêu mến đặc biệt. Cái sự trìu mến ấy, luôn được nhắc nhớ trong mỗi dịp bạn bè gặp gỡ, hàn huyên. Ở thời điểm hiện tại, các cuộc họp lớp đang trở thành xu hướng diễn ra ngày một nhiều. Dù rằng họp lớp, không phải lúc nào cũng có mặt của thầy, cô chủ nhiệm.

Có đôi khi, ở một cuộc gặp tình cờ nào đó, hay, nghe lại tiếng trống trường trong lúc đưa đứa con nhỏ của mình đi khai giảng, bạn nhớ đến cô giáo của mình mà muốn lấy điện thoại nhắn cho cô một lời thăm hỏi?!

Thảng hoặc, gặp lại một người bạn của mình, xin lại được số của cô giáo chủ nhiệm để nghe rằng “cô về hưu mấy năm rồi em ạ”. Mới thấy rằng thời gian và người thăm hỏi đã bị cuộc sống thường nhật cuốn đi nhanh và xa quá.

Nghề giáo vẫn là nghề đưa đò, những đứa trẻ lớn lên, đi xa và có thành công hay không, là do số phận. Nhưng chúng có nhớ đến những người dạy dỗ, chăm sóc mình hay không, việc đó do chính những người đưa đò quyết định.