Chuyện không đơn giản

Lâu lâu lại nghe về việc giải cứu các dòng sông đã chết và đang chết. Nhưng giải pháp triệt để thì vẫn chưa thấy, đấy là chưa nói đến sự lâu dài, bền vững và thật sự hiệu quả, vốn rất cần thiết trong điều kiện nguy cơ ô nhiễm môi trường đang ngày càng tăng cao hiện nay.

Phần nhiều các giải pháp được đưa ra đều bao gồm hai chữ “tăng cường”: Một là, tăng cường quản lý, kiểm soát nguồn thải; hai là, tăng cường đầu tư, đa dạng các nguồn đầu tư cho các dự án xử lý nước thải, chất thải. Chắc chắn là không sai, nhưng xem ra, cảm xúc đối với hai chữ “tăng cường” không thật rành mạch.

Phân tích một cách cụ thể hơn, việc tăng cường quản lý, kiểm soát đối với hai loại nguồn thải tập trung và nguồn thải phân tán đều tiến triển rất chậm. Trên thực tế, các nguồn thải tập trung hoặc chưa tối ưu được yếu tố quy hoạch để tập trung, hoặc mới chỉ tăng cường quản lý nguồn thải tập trung về mặt danh nghĩa, mà chưa thật sự kiểm soát triệt để về mặt chất lượng xử lý. Trong khi đó, các nguồn thải phân tán hầu như chưa thấy dấu ấn về quản lý khép kín, chứ chưa nói đến hiệu quả kiểm soát về chất lượng xử lý chất thải, nước thải. Hằng ngày, một khối lượng không nhỏ nguồn thải phân tán vẫn hồn nhiên xả thẳng vào các dòng sông đã chết và đang chết.

Việc đầu tư và đa dạng đầu tư dự án xử lý chất thải, nước thải cũng chưa hiệu quả. Bởi sau một thời gian hối hả tăng cường và đa dạng, vẫn ngày đang xuất hiện nhiều hơn những dòng nước đen ngòm, đáng sợ. Điều đó cho thấy, những đồng vốn đầu tư chưa thật sự phát huy được sức mạnh và tạo sự “lan tỏa”. Những đồng vốn đáng trân trọng, cuối cùng đã trở nên lạc lõng mất kiểm soát trong việc xử lý các nguồn thải tập trung, phân tán. Hay nói cách khác, hiệu quả vẫn chưa đạt tới kỳ vọng đổi thay.

Tuy nhiên, để khắc phục được các điểm thiếu và yếu nêu trên chẳng hề đơn giản. Bởi trước hết, nó đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực phải thật sự nỗ lực và quyết tâm trong việc lựa chọn, đưa ra các giải pháp phù hợp, có tính thực tế cao, huy động được sự chung tay, ủng hộ của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, đồng thời khai thác, khơi dậy được sức mạnh từ sự ủng hộ của toàn thể người dân trong việc quản lý, xử lý rác thải.

Câu chuyện này nghĩ đi thì dễ, nhưng nghĩ lại thì yếu tố con người mới là quan trọng, thật sự giữ vai trò quyết định.