Chủ động ứng phó với tình huống bất ngờ

Những ngày tháng này, người dân đang chứng kiến thêm những tình huống nhiều bất ngờ, có khi đến mức ngỡ ngàng. Thậm chí, trong nghiên cứu tự nhiên, trong sự dự báo trước những diễn biến mới của cuộc sống và hoạch định những bước đi chung, có thể đã có những tính toán, lường trước.

Nhưng thực tế đa dạng với rất nhiều tác động, bao giờ cũng đưa đến những tình huống cụ thể, kéo theo nhiều trạng thái cảm xúc, suy ngẫm không chỉ cho cá nhân hay mỗi gia đình, mà còn cho cả các tập thể, cộng đồng, địa phương, trong đó có nhiều cách ứng phó, có cả những biểu hiện bất thường, những phản ứng tích cực và tiêu cực. 

Vừa tạm ngớt cao điểm dịch, khi một số ý tưởng, kế hoạch kích cầu du lịch chuẩn bị khởi động lại, cùng những triển khai trên nhiều lĩnh vực đời sống khác nữa cho những tháng cuối của một năm nhiều biến động, thì bão đã lập tức tiến công. Và mưa kéo dài, và lũ lụt dâng cao, lâu rút, đã khiến cho nhiều địa phương, địa bàn dân cư trên các tỉnh, thành phố gặp phải chật vật. Chưa hết đợt tiến công này, đã chuẩn bị, dự báo và đang diễn ra đợt tiến công khác từ phía biển, bão liền bão, áp thấp, hoàn lưu bão chồng chất những tổn thất, vất vả. Nước ngập chưa tan tại nhiều địa bàn gần biển, theo các con sông, thì sạt lở, vùi lấp, lũ ống, lũ quét đã tiếp tục đe dọa người dân miền núi, trung du thuộc nhiều vùng miền trong cả nước.

Song song thiên tai, không ít thực trạng, vấn đề xã hội nổi cộm cũng thách thức sự bình tĩnh của dư luận và sự sáng suốt của các cơ quan chức năng. Đơn cử như thực trạng một số sách giáo khoa lớp 1 mới đang được sử dụng rộng khắp, bị không ít ý kiến cho rằng có nhiều bất cập, đang được ngành giáo dục yêu cầu kiểm tra, xem lại… Nhìn rộng hơn, hiện trạng này cũng đang có xu hướng đặt vấn đề rà soát, nhìn nhận lại công tác biên soạn, phê duyệt sách giáo khoa nói chung. Nhất là xu hướng không thể coi nhẹ hoặc “coi như không” sự tiếp nhận của học sinh và những cảm nhận, góp ý của phụ huynh, của xã hội.

Cùng với đó, có thể thấy rất nhiều những vấn đề, thực trạng, vấn đề khác đang liên tục diễn ra, tác động đến đời sống đông đảo người dân. Tình hình dịch bệnh trong nước đang tạm lắng nhưng vẫn luôn tiềm ẩn các nguy cơ, đặc biệt khi dịch bệnh trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng chóng mặt, nhiều quốc gia đã tổn thất nặng nề và vẫn đang chật vật đối phó. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường, gia tăng bệnh tật, các vấn đề đô thị… ngày càng khốc liệt.

Trước tình trạng những dấu hiệu phức tạp, liên tục, chồng chéo của các tác động đời sống, xã hội đang ngày càng gia tăng đặt ra cho mỗi người, gia đình, cộng đồng những đòi hỏi to lớn và lâu dài trong việc chuẩn bị các điều kiện để phòng bị, chống trả, chịu đựng và vượt qua những thách thức, đe dọa và tiến công bất thường. Từ điều kiện vật chất, tài chính, sức khỏe, kỹ năng, cho đến tâm thế và trạng thái tinh thần trong một bối cảnh được xác định là đang và sẽ có nhiều biến động. 

Đó cũng chính là ứng xử cần thiết và tích cực, không thể thiếu bên cạnh những hoạt động triển khai của các cấp, ngành chức năng, các lực lượng trong việc phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tai nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản người dân và khắc phục hậu quả tổn thất, giải quyết các vấn đề xã hội nổi cộm. Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền, cơ quan chức năng, thì việc chủ động phòng vệ, đồng hành tích cực là tâm thế và hành động quan trọng của mỗi người dân trong tình hình hiện nay và tương lai.