Chủ động, linh hoạt ứng phó dịch

Vấn đề ứng phó với đại dịch thời gian qua ngày càng được mở rộng, nâng cao, chú trọng và tập trung ngoài lĩnh vực y tế.

Trên tinh thần của toàn xã hội theo định hướng của Đảng và Chính phủ, vừa tích cực chống dịch vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, trong cả năm 2020 và đầu năm 2021, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị… đã có nhiều bước điều chỉnh kế hoạch, chương trình hoạt động cho phù hợp. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước năm 2020, theo đó có nhiều kết quả khả quan, được ghi nhận không chỉ trong nước.

Thực tế thời gian qua tiếp tục cho thấy tính bất ngờ, bất thường và cả những nguy cơ bất ổn của diễn biến dịch bệnh ở trong nước, khu vực và trên thế giới. Điều này lại tiếp tục đặt ra đòi hỏi chủ động thích ứng, linh hoạt điều chỉnh để hoàn thành mục tiêu kép chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Đòi hỏi đó ngày càng thường trực, ráo riết hơn trong công tác tổ chức xã hội, điều hành hoạt động sản xuất, lưu thông ở các vùng miền, địa phương. Bởi như báo chí, dư luận đã phản ánh, trong đợt bùng phát dịch gần đây, không khỏi có những hạn chế nhất định trong ứng phó, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, tâm lý quần chúng nhân dân. 

Thí dụ như việc tổ chức cách ly có nơi chưa thật chặt chẽ, làm tăng nguy cơ lây bệnh, phần nào chậm lại việc ngăn chặn, khoanh vùng. Hoặc cũng có những “rào cản” hay xử lý còn cứng nhắc khi thực hiện giám sát giữa các địa phương trong sự đi lại, vận chuyển hành khách, hàng hóa, đặc biệt là từ các vùng có dịch đi đến, đi qua địa bàn không hoặc chưa phát hiện ra dịch. Từ đó dẫn đến tâm lý phân biệt, thậm chí gây phản cảm, phản ứng trong dư luận. Cùng với đó, việc tạm “đóng cửa” hay hạn chế vận chuyển hàng hóa gia cầm, thực phẩm, nông sản từ nơi có dịch, cũng gây khó khăn cho người sản xuất, dẫn đến hàng hóa khó, không tiêu thụ được, có khi phải bỏ đi, phải trông đợi vào sự “giải cứu”. Trước đó nữa, cả đến việc giám sát, quản lý nhân sự làm việc trong môi trường tiếp xúc với nguy cơ bệnh dịch, cũng có trường hợp chưa sát sao từ phía cơ quan chủ quản, dẫn đến phải cách ly, dừng, tạm dừng không ít hoạt động giao thông, dịch vụ ở một số nơi…

Những sự việc, thực trạng diễn ra như vậy, ngoài hệ quả khó khăn, vất vả hơn đối với lực lượng trong ngành y tế, an ninh, quốc phòng, hệ thống chính trị cơ sở…, thì đương nhiên gây ra tổn hại không nhỏ cho sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vùng miền, đất nước. Tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều phức tạp, lắm nguy cơ. Mặc dù nước ta đã được đánh giá cao trong việc phòng, chống. Nhưng chính những bất cập, lúng túng đã có ở một số nơi, cùng sự bùng phát trở lại vào những thời điểm khó ngờ, lại càng đáng gây suy nghĩ cho việc cảnh giác, chủ động và linh hoạt ứng phó dịch bệnh và nguy cơ của nó.