Chăm nom di sản

Bản thân mỗi di tích, di sản với lịch sử tồn tại của mình đều luôn được người dân, xã hội quan tâm chăm sóc. Tuy vậy, xem lại, thấy danh sách dài dằng dặc các công trình di tích lịch sử và văn hóa của nước mình đang trong quá trình... xuống cấp. Trong đó không ít công trình đã xuống cấp nghiêm trọng.

Tại Hà Nội, nhiều di tích ở một số xã, quận, huyện không có kinh phí sửa chữa hoặc chỉ sửa chữa được một phần nên sinh ra chuyện chắp vá, làm mới và phá hỏng di tích. Không ít di tích bị lấn chiếm, bị thu hẹp không gian. Tại huyện Thường Tín có 16 di tích cấp quốc gia và thành phố bị xuống cấp nghiêm trọng, cần tu bổ như: Đình Lam Sơn, đền Ngũ Xá, đình Hạ, đền An Lãng, đình An Định, đình An Duyên, chùa Pháp Vân, đình Tổ, lăng đá Quận Vân, đình Phúc Trạch…

Tại huyện Phú Xuyên có đình Cổ Chế (xã Phúc Tiến), đình Thần Quy (xã Minh Tân) cũng xuống cấp nghiêm trọng và thiếu kinh phí tu sửa gây xôn xao dư luận mấy năm qua. Đình Thần Quy, tọa lạc trên địa bàn thôn Thần Quy, từ nhiều năm nay. Đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1997.

Hà Nội có hơn 2.000 di tích xuống cấp các hạng mục chính và hơn 200 di tích trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân phần lớn do ảnh hưởng của thời gian, thời tiết, thiên tai. Đa phần các di tích được làm từ gỗ nên thường gặp phải vấn đề về mối, mọt. Việc sử dụng di tích không đúng chức năng, mục đích ở một số địa phương cũng góp phần gây tình trạng xập xệ, hư hỏng.

Ở Thủ đô là thế, còn ở Hội An, di tích lịch sử văn hóa quốc gia là chùa Cầu hiện bị xuống cấp nghiêm trọng. Cây cầu mang đậm dấu ấn văn hóa Nhật Bản này được xây dựng từ thế kỷ 17. Trải qua bao thăng trầm của tạo hóa và con người, cây cầu đang ngày càng xuống cấp. Với nhiều bộ phận được làm bằng gỗ, theo thời gian, do ảnh hưởng của khí hậu, cầu dần bị mối mọt. Do ảnh hưởng của dòng chảy và điều kiện tự nhiên, rất nhiều hạng mục của cây cầu này cần được tu bổ gấp.

Và ở nhiều di tích quốc gia, sự đầu tư cho những công trình xuống cấp cần tu bổ luôn luôn thiếu.

Kể ra mới thấy, sự quan tâm săn sóc những vấn đề thường nhật, chưa bao giờ có thể nói là đủ. Và sự chia sẻ, góp sức của cộng đồng để gìn giữ những di sản quý giá của nước ta, chưa bao giờ là không cần thiết.