Câu chuyện giá điện

Câu chuyện giá điện sau nhiều năm đã dần được minh bạch hóa.

Giá bán điện bình quân được tính chặt chẽ, chi li trên cơ sở tổng chi phí từ sản xuất, truyền tải, phân phối, điều độ, thậm chí đến cả biến động tỷ giá, dịch vụ phụ trợ, yếu tố biến động thời tiết, chi phí dự phòng… cộng với lợi nhuận định mức/năm của từng mảng, rồi chia cho tổng sản lượng điện thương phẩm dự kiến trong một năm. Như vậy có nghĩa là bảo đảm giá bán điện có thể giúp ngành điện đáp ứng nhu cầu kinh doanh cũng như có nguồn lực để tiếp tục đầu tư.

Từ cái giá pháp lý đó, ngành điện đưa ra “giá bán điện bậc thang” để hướng tới mục tiêu bao gồm đầu tư phát triển, tiết kiệm điện, chăm lo đối tượng chính sách, bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ  điện… Tuy nhiên, vì đưa vào cuộc sống giá bán điện quá nhiều bậc thang, đã khiến ngành điện ngày càng xa rời tính pháp lý và cả bản chất đạo lý của “chiếc neo giá” điện ban đầu.

Một số chuyên gia cho rằng, trung bình tổng các bậc thang của giá bán điện đã tuột khỏi giá bán bình quân có tính pháp lý được quy định một khoảng khá dài. Chính vì vậy mà nó dần trở nên bất hợp lý. Đây là lý do giá bán điện cần thiết phải được điều chỉnh trở về đúng với bản chất và quy luật thị trường vốn cần có.

Cũng theo các chuyên gia, giá bán điện bình quân cần được đánh giá một cách bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho cả người dân, ngành điện và Nhà nước. Nếu tính thừa giá thì người dân chịu thiệt, còn nếu tính thiếu giá thì ngành điện và Nhà nước cũng khó hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh và chính trị của mình.

Tuy nhiên, trong cuộc sống, các mục đích sử dụng điện và đối tượng sử dụng điện không giống nhau. Nếu áp dụng chỉ một giá bình quân cho mọi đối tượng và mọi mục đích sử dụng điện là chưa thật sự khoa học.

Do vậy, việc áp giá bán điện nên điều chỉnh theo hướng lấy giá bán điện bình quân để cân bằng dựa theo nhu cầu, mục đích sử dụng điện, đồng thời tính đến bối cảnh xã hội cũng như từng đối tượng sử dụng điện cụ thể. Theo đó, chẳng hạn có thể phân tầng theo ba nhóm đối tượng, ứng với ba loại nhu cầu sử dụng điện như sau: 1/ Hộ nghèo với nhu cầu sử dụng điện tối thiểu hưởng giá ưu đãi; 2/ Hộ dân sử dụng điện sinh hoạt quy mô vừa hưởng theo giá bán điện bình quân; 3/ Hộ dùng điện quy mô lớn và doanh nghiệp kinh doanh phải chịu mức giá bán điện cao hơn giá bình quân (cụ thể cao bao nhiêu phụ thuộc vào tổng sản lượng tiêu thụ dự kiến của các đối tượng này).

Bậc thang như vậy sẽ từng bước giúp bảo đảm mục tiêu giá bán điện tiệm cận những đòi hỏi và yêu cầu từ thực tế đời sống.