Cảng nước sâu cho đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 20% GDP cả nước, với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực: gạo, thủy sản, trái cây…, nhưng mỗi năm đều phải vận chuyển hàng triệu tấn hàng hóa, đi hàng trăm km kênh rạch chằng chịt hoặc hệ thống đường bộ bị chia cắt, lên tận TP Hồ Chí Minh để xuất ngoại.

Thứ mà vùng đồng bằng châu thổ này đang thiếu như thể “trái tim” để hình thành, bồi đắp lên hệ thống “huyết mạch” riêng, đó là một cảng nước sâu.

Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu với Chính phủ về việc xây dựng một cảng nước sâu có thể đón tàu trọng tải 100 nghìn tấn ở cách Cửa Trần Đề (Sóc Trăng) 16 km. Hàng hóa được đưa từ đất liền ra cảng bằng cầu và có thể bằng các phương tiện giao thông đường thủy khác. Đây là kế hoạch sẽ mở ra tương lai linh hoạt cho ĐBSCL.

Kế hoạch này sẽ tác động đến các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của toàn vùng đồng bằng, trước hết là việc sắp xếp, khởi động các kết cấu hạ tầng liên quan. Thứ nữa là việc sắp xếp, phát triển các ngành hàng hướng tới xuất khẩu và một điều tất yếu phải đến là tính toán lại cơ cấu lao động và phát triển nguồn nhân lực theo hướng mới.

ĐBSCL sẽ vẫn là vựa lúa của cả nước, tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong chiến lược an ninh lương thực, nhưng nếu có một “trái tim” mới, miền Tây Nam Bộ sẽ linh hoạt tiếp cận những ngành công nghiệp và dịch vụ theo hướng mới, để từ đó quay lại nâng cấp ngành nông nghiệp theo cách tốt hơn. Đồng thời, việc có cảng nước sâu mới sẽ góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế, nâng cấp dịch vụ vận chuyển, kho bãi phục vụ, kết cấu hạ tầng của địa phương, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động ở khu vực tiếp cận với ngành nghề mới một cách thiết thực. 

ĐBSCL vẫn hằng mong một “trái tim biết yêu thương” như thế!