Cải cách sách học vỡ lòng

Năm học mới vừa bắt đầu hơn tháng, đám trẻ vừa mới dần quen trường lớp sau thời gian dài học hành trên mạng. Nhất là với những bé chập chững bước vào lớp một, lứa tuổi vỡ lòng với những câu thơ, bài văn trong trẻo mà cả một thế hệ trước đây không thể quên kiểu “o tròn như quả trứng gà…” hay “hôm nay, tôi đi học…”.

Những ngày gần đây, thấy ồn ào những câu chuyện được “rút gọn” mang danh đại văn hào nổi tiếng thế giới in trên cuốn sách được đem vào giảng dạy cho lứa mầm non nước nhà. Đọc mà không khỏi có những băn khoăn, lo lắng. 

Không bàn về số tiền mà các phụ huynh phải bỏ ra mua sách cho con mình mỗi đầu năm học vì nó đã trở thành nỗi bức xúc thường kỳ. Dù rằng có do phải thay sách mới, người ta không thể sử dụng một cuốn sách giáo khoa (SGK) của năm trước dùng lại cho năm sau.

Chắc chắn không còn nữa, những buổi tối cha mẹ hướng dẫn đám trẻ con bọc sách vở trước mỗi năm học mới. Những cuốn SGK được gìn giữ bằng cách bọc bìa trong những tờ bích báo của lớp đàn anh, đến lúc các em dùng lại, bóc tờ giấy bọc bìa ra thôi, thay bằng tờ giấy mới để bọc lại, thấy còn thơm mùi mực. Vừa tiết kiệm cho gia đình, vừa hình thành nên sự gần gũi giữa các thế hệ học sinh. 

Không bàn về sự tốn kém hay số tiền mà cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này bỏ ra hằng năm để cải tiến SGK, những bất cập sau mỗi lần ra sách mới đều đã được một số cán bộ, nhà khoa học và phụ huynh lên tiếng. Chỉ thương đám trẻ cho tới tận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn loay hoay với các chương trình cải cách.

Đối với các em, có không ít tấm gương của các bậc tiền nhân về trí tuệ, trình độ và nhân cách. Những người nổi tiếng bởi trình độ và nhân cách ấy với những cố gắng của bản thân đã từng luôn tìm tòi cho mình một phương pháp tiếp cận tiên tiến của khoa học và xã hội nhưng chưa bao giờ quên đi những bài học vỡ lòng về đạo đức, về tình yêu trong trẻo đối với gia đình, bạn bè và thế giới rộng lớn mới mẻ trong mắt họ thủa thiếu thời. 

Mỗi cuốn SGK, với những bài học trong đó phải là bài học truyền tải được kiến thức giúp học sinh tiếp cận sự tiên tiến của khoa học, kỹ thuật nhân loại nhưng cũng luôn chứa đựng sự tử tế, cái nền nếp đã được xây dựng và vun đắp từ trước tới giờ để góp phần tạo nên nhân cách Việt. Mỗi cuốn sách mới, cần bổ sung sự mới mẻ về trình độ. Để hình thành nền tảng đạo đức, cần hơn cả là bề dày truyền thống.

Với trẻ con, những bài học thuộc lòng đẹp đẽ, trong trẻo và súc tích sẽ là thứ đi theo chúng suốt cả cuộc đời.