Bệnh thành tích

Theo lẽ thường, thành tích là tốt. Không ai không ngưỡng mộ thành tích, bởi đó là một kết cục viên mãn, tròn đầy, nhưng cũng hiếm có, hiếm gặp. Thành tích vốn chỉ thuộc về những cá nhân, tập thể xuất sắc hoặc thuộc về những nơi có xuất xứ, đầu tư đặc biệt và chỉ đến trong những khoảnh khắc, những giai đoạn nhất định, chứ không dễ xuất hiện thường xuyên, liên tục và thậm chí trở nên “phổ cập”.

Thế nhưng, dường như cái lẽ thường nói trên, có phần không giống với câu chuyện thành tích của không ít đơn vị giáo dục nước ta những năm qua.

Hẳn chúng ta còn nhớ dấu mốc “hai không” năm 2007 của ngành giáo dục. Cả xã hội đã “sốc” khi kết quả tốt nghiệp THPT nhiều địa phương bỗng “tụt thẳng đứng” xuống chỉ còn dưới 50%, cá biệt có nơi chỉ còn 14% và 20%. Với kết quả đó, một sự thật trần trụi phía sau những con số tỷ lệ tốt nghiệp hoàn hảo được phơi bày.

Nhưng dù sao cột mốc “hai không” cũng không kéo dài, bởi vì tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở nhiều địa phương sau cú “sốc” nhất thời, lại quay đầu “tăng” tới vài chục phần trăm. Bốn năm sau ngày “hai không” khởi phát, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước lại trở về mức hoàn hảo, viên mãn ban đầu.

Gần nhất, năm 2018, cách tính điểm mới càng khiến nhiều người nghi ngờ về sự gia tăng “căn bệnh” thành tích giáo dục khi tỷ lệ tốt nghiệp THPT cả nước đạt 98,36%, địa phương cao nhất đạt 99,83%!

Đó là chưa kể, hãy xem tỷ lệ lưu ban ở các khối lớp là bao nhiêu? Nếu trước đây, con số thống kê tỷ lệ lưu ban là bình thường, thì gần đây đã không tồn tại. Đến năm cuối cấp, có nhà trường còn yêu cầu học sinh phải chuyển trường vì không đạt kết quả học tập như cam kết. Đây cũng là cách để không ít trường có tên tuổi sử dụng nhằm bảo toàn thành tích tỷ lệ tốt nghiệp cao chót vót của mình. Thế mới thấy, đằng sau sự hoàn hảo, cam kết của con số, chưa hẳn đã là sự hoàn hảo, cam kết của trách nhiệm!

Áp lực về thành tích còn khiến không ít nhà trường vẽ ra các chương trình học tăng cường. Từ đó phát sinh nào là thời gian, nào là tiền bạc. Rốt cuộc, nhà trường, có thể đạt hiệu quả về “danh tiếng” và “nguồn lực”, song tác dụng phụ là mức độ tốn kém và áp lực gia tăng phụ huynh và học sinh lại phải gánh chịu…

Như vậy, có thể thấy kết quả đẹp, thành tích không phải lúc nào cũng tuyệt vời. Giống như một loại thuốc, nếu tác dụng lớn nhất của nó chỉ là chữa khỏi bệnh, thì nó chỉ mới là một trong số các loại thuốc tốt. Còn nếu loại thuốc đó vẫn đương nhiên chữa khỏi bệnh, nhưng vừa rẻ, lại vừa không có tác dụng phụ, thì đó mới thật sự là loại thuốc tốt cho đại chúng.

Cho nên, những kết quả đẹp, thành tích trong các trường học và cả ngành giáo dục cũng cần phải giống như kết quả tạo ra phương thuốc nói trên. Đó phải là kết quả từ sự tiếp thu và tiếp nhận giáo dục thoải mái và thực chất. Chưa kể, kết quả đó phải thật sự trở thành động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng dạy và học của cả thầy và trò, góp phần gìn giữ môi trường sư phạm lành mạnh, hoàn toàn không trở thành gánh nặng phản giáo dục như tại một số trường học hiện nay.